(Hóa học ngày nay-H2N2)-Các nhà khoa học trường Đại học Công nghệ Eindhoven đang đề xuất dự án phát triển pin năng lượng mặt trời mới với hiệu suất hoạt động 65% bằng công nghệ nano.
Loại pin năng lượng mới này sẽ được sử dụng rộng rãi tại các vùng Nam Âu và Bắc Phi, giúp giảm gánh nặng về điện cho toàn châu Âu nói chung. Dự án đã nhận được trợ cấp 1,2 triệu euro của chính phủ Hà Lan.
Các tấm phim năng lượng mặt trời mỏng hiện nay (loại III/V) có hiệu suất hoạt động khoảng 40%, tuy nhiên giá thành rất cao và chỉ được dùng cho panel mặt trời và vệ tinh. Nếu gắn thêm hệ thống gương, độ tập trung ánh sáng sẽ tăng lên gấp 1000 lần, nhờ đó pin năng lượng có thể sử dụng được cho các thiết bị thu mặt đất với giá thành hợp lý. Theo nhận định, trong 10 năm tới, hiệu suất hoạt động của loại pin kiểu mới này có thể đạt tới 65%.
Nhóm nghiên cứu cho biết kết hợp công nghệ nano với sử dụng hệ thống gương tập trung ánh sáng vừa giúp tạo ra hệ thống pin năng lượng mặt trời hiệu quả bậc nhất thế giới vừa giảm được 50% chi phí cho mỗi Wp (Watt peak).
Trong thiết kế pin năng lượng mới, các tế bào năng lượng sẽ được tập hợp lại thành bó dây nano; chính thiết kế bó dây này giúp liên kết các subcell (vùng chuyển tiếp – junction) với nhau. Sau đó mỗi subcell sẽ có nhiệm vụ chuyển đổi 1 màu của ánh sáng mặt trời thành điện năng. Hiệu suất cao nhất đạt được của một tế bào năng lượng mặt trời dạng dây nano hiện nay là 8,4%. Tuy nhiên, nếu được thiết kế thêm 5-10 vùng chuyển tiếp, hiệu suất hoạt động của tế bào có thể lên tới 65%.
Ngoài ra, nhóm cũng hy vọng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất bằng cách phát triển các dây nano trên nền chất silicon giá rẻ, giúp kích thích phát triển nhanh hơn.
Nguồn ScienceDaily/Nasati