Rác thải nhựa đại dương, thách thức lớn cho các quốc gia ven biển

QUẢNG CÁO

Rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải biển. Rác thải nhựa rất nhiều nằm lại dưới đáy đại dương và sẽ tồn tại nhiều thế kỷ, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới nên để giải quyết cần có sự chung tay, nỗ lực chung của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Báo Tin tức giới thiệu chùm 4 bài viết về “Rác thải nhựa đại dương – Vấn đề cấp bách toàn cầu”.

Thách thức lớn cho các quốc gia ven biển

Rác thải nhựa là nguồn ô nhiễm lớn ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe và sự thịnh vượng của con người. Rác nhựa biển có nguồn gốc tới 80% từ đất liền, còn lại là nguồn thải đại dương. Đây cũng là thách thức lớn cho các quốc gia ven biển có nguồn lợi kinh tế từ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Tổn thất lớn

Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần.

Trên toàn cầu, có khoảng 5 nghìn tỷ túi ni lông được sử dụng hàng năm, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước nhựa được mua và 90% chai nước có chứa các hạt nhựa. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính, trong vòng 10-15 năm tới, tổng sản xuất nhựa toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi.

Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nhựa là một phần không tách rời của nền kinh tế, chi phí thấp, công năng và độ bền vượt trội; được sử dụng trong tất cả các ngành, chủ yếu trong các ngành bao bì, đóng gói với 40%, xây dựng 20%, ô tô 9%, điện và điện tử 6%, nông nghiệp 3%. Tổng sản lượng nhựa tăng từ 1,5 triệu tấn/năm những năm 1950 lên hơn 380 triệu tấn/năm hiện nay. Quản lý nhựa trên toàn cầu vẫn ở mức kém khi chỉ có 9% được tái chế, 12% được đốt và gần 70% chôn lấp hoặc thải bỏ.

Bà Jacinthe Seguin, Bộ Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Canada nhấn mạnh: Rác thải nhựa gây lãng phí nguyên liệu và mất mát năng lượng do chi phí 80-120 tỷ USD/năm giá trị nguyên liệu đóng gói bao bì gằng nhựa/nilon; 6% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu dùng để tạo ra sản phẩm nhựa và sẽ tăng lên 20% vào năm 2050. Hơn 150 triệu tấn nhựa đang tồn tại trong đại dương. Mỗi năm có 8 triệu chất thải nhựa từ đất liền đổ ra đại dương. Nếu không hành động, tổng lượng nhựa đổ vào các đại dương sẽ có thể tăng gấp đôi vào năm 2025.

Tổn thất trị giá hơn 13 triệu USD/năm đối với các hệ sinh thái biển, hơn 600 loài sinh vật biển đã bị ảnh hưởng, 15% các loài đang bị đe dọa; tác động đến du lịch, thủy hải sản, vận tải, sinh kế và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Rác thải nhựa đại dương là thách thức toàn cầu, tuy vậy những quốc gia ven biển là “cửa ngõ” đổ rác ra biển nên cần có chiến lược quản lý, giảm lượng rác thải nhựa ra đại dương là cấp bách. Riêng ở châu Á, ô nhiễm nhựa là một vấn đề lớn bởi thực tế, 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc chỉ từ 6 nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Giáo sư Carmen Ablan Lagman, Đại học De La Salle, Philippines, Biển Đông chiếm 1/3 lượng cá trên thế giới, có đa dạng sinh học lớn với 365 loài cá trong khi khu vực biển ở châu Mỹ chỉ có khoảng 60 loài nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng, không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do đánh bắt và ô nhiễm.

Rất nhiều quốc gia trong khu vực khai thác các nguồn tài nguyên chủ yếu thông qua đánh bắt. Ngư dân Philippines chịu ác lực lớn từ đánh bắt do giảm lượng cá, ô nhiễm lớn, nhất là do vi nhựa. Hóa mỹ phẩm phát thải vi nhựa lớn, chất thải nhựa phân hủy thành vi nhựa, chất ô nhiễm hữu có khó phân hủy nhưng khi phân hủy lại tạo ra nguồn ô nhiễm ngược lại ảnh hưởng tới sức khỏe con người qua các con đường khác nhau. Các nước ASEAN cần đồng tâm, kết hợp các chính sách quốc gia để can thiệp đến các ngành công nghiệp chính tạo ra chất thải nhựa tạo như sản xuất lốp xe, chất tẩy rửa…

Sáng kiến và cam kết

Hội nghị bàn tròn về “Định hướng hình thành quan hệ đối tác hành động khu vực ASEAN về rác thải nhựa” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 đã khẳng định ô nhiễm rác thải nhựa là mối quan tâm lớn của khu vực ASEAN nói riêng và cả thế giới nói chung. Trước nguy cơ này, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã có các sáng kiến và cam kết giải quyết vấn đề rác thải biển và nhựa.

Hiến chương về nhựa đại dương được xây dựng khi Canada đảm nhận nhiệm vụ vai trò Chủ tịch G7 (các bộ trưởng tài chính của bảy nước kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới) và được Thủ tướng Justin Trudeau giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo G7 tại Charlevoix tháng 6/2018. Hiến chương đã được Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Liên minh châu Âu phê chuẩn. Ngoài các nước tham gia ký kết ban đầu, Jamaica, Mexico, Nauru, Palau, Cabo Verde, Hà Lan, Na Uy, Kenya, Cộng hòa quần đảo Marshall và 20 công ty bao gồm Unilever, Ikea, Nestle and Volvo… đã phê chuẩn hiến chương và cam kết hành động để xây dựng một thế giới không rác thải nhựa. Hiến chương rác thải nhựa của Canada sẽ là nền tảng để các nước khác hướng tới thực hiện.

Hiến chương là một cam kết nhằm triển khai hành động đối với tất cả các loại nhựa gồm bao bì đóng gói, nhựa dùng một lần và lâu dài trong toàn bộ vòng đời sản phẩm nhằm mục tiêu giảm chất thải nhựa và rác nhựa đại dương. Các mục tiêu chính làm việc với doanh nghiệp để tới năm 2030 có 100% nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc khi những giải pháp thay thế không tồn tại, thì có thể phục hồi được; tăng lượng tái chế thêm ít nhát 50% trong các sản phẩm nhựa phù hợp; có thể tái chế và tái sử dụng ít nhất 55% bao bì nhựa và tới năm 2040, phục hồi được 100% tất cả các loại nhựa. Cam kết hành động trên toàn bộ 5 trụ cột gồm thiết kế, sản xuất bền vững, thị trường cho sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng; thu gom, quản lý và các hệ thống khác, cơ sở hạ tầng; lối sống bền vững và giáo dục nâng cao nhận thức; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và công nghệ mới; hành động tại khu vực ven biển và các đường bờ biển.

Các hành động quốc tế bao gồm quảng bá về Hiến chương tới các quốc gia và các tổ chức khác; tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ G7 và G20. Các bộ trưởng môi trường G7 nhất trí với chương trình thách thức đổi mới G7 để giải quyết rác thải nhựa đại dương nhằm kích thích đổi mới, nâng cao nhận thức và thúc đẩy cải tiến trong quản lý nhựa; thúc đẩy hành động tại các diễn đàn quốc tế khác; cùng với nhóm công tác chuyên gia đặc biệt không kỳ hạn của Liên hợp quốc về rác biển và vi nhựa.

Ông Gilang Kembara, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Indonesia) cho biết, Indonesia đưa ra nhiều cam kết cắt giảm phát thải nhựa đến năm 2025 nhưng vẫn còn băn khoăn giữa việc thay đổi từ cấp trên xuống hay từ cấp dưới lên.  Hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali là một trong những nơi ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất Indonesia. Năm 2018, chính quyền cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần và dần tiến tới cắt giảm tất cả các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Chính quyền các cấp tỉnh khác cũng đang ủng hộ chính sách này từ Bali để thay đổi tư duy của dân chúng.

Liên hợp quốc đã phát động “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người. Kế hoạch hành động chung Liên hợp quốc đã được xây dựng và do Nhóm công tác chống rác thải nhựa thực hiện.

Tháng 4/2018, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã khởi xướng một sáng kiến vận động chính sách với nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Đến nay đã có tổng số 58 tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tham gia ký Qui tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa và cam kết giảm thiểu sử dụng các đồ nhựa dùng một lần tại công sở.

Canada với Chiến lược loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa

Canada là nước đi đầu, tiên phong trên thế giới với sáng kiến về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương. Để thực hiện sáng kiến này, Canada đã thông qua Chiến lược loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa trên phạm vi toàn lãnh thổ.

Châu Phi thải hơn 4 triệu tấn rác nhựa ra đại dương mỗi năm - Ảnh 1.

Thực trạng sử dụng nhựa và thải nhựa

Đất nước Canada có diện tích lớn với nhiều cộng đồng dân cư, mật độ dân số thưa, 3 thành phố có hơn 1 triệu dân, 51 thành phố từ 100 nghìn đến 1 triệu dân và 233 thành phố có từ 10 nghìn dân đến 100 nghìn dân. Trong năm 2010, Canada đã thải gần 8.000 tấn chất thải nhựa từ đất liền vào đại dương. Rác thải biển và vi nhựa được tìm thấy tại cả 3 vùng bờ biển và các hệ thống nước ngọt, bao gồm cả các hồ trong nhóm Ngũ đại hồ.

Hiện Canada đã có hạ tầng quản lý chất thải rắn và các biện pháp hạn chế thải rác ra bãi chôn lấp, hệ thống pháp lý quản lý chất thải tại cấp liên bang và bang bổ sung lẫn nhau, có hệ thống quy định đặt cọc cho vỏ chai, hộp đồ uống làm bằng nhựa, trách nhiệm mở rộng của người sản xuất và chương trình giám sát. Tuy nhiên, Canada có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm như rác, sự cố tràn dầu, các hoạt động thủy sản; năng lực tái chế, phục hồi không đồng đều trên phạm vi liên bang; dữ liệu về các sản phẩm lâu bền còn hạn chế.

Ngành công nghiệp nhựa trị giá 29,2 tỷ đô la tại Canada. Các sản phẩm lâu bền như đồ điện tử và sản phẩm không lâu bền như bao bì đóng gói, sản phẩm nhựa dùng một lần. Phần lớn nhựa được sử dụng trong ngành đóng gói với 39%, xây dựng 33% và sản xuất ô tô 14% với 20-25% bao bì bằng nhựa được tái chế và có tới 89% rác thải nhựa được chuyển tới bãi chôn lấp hoặc các lò đốt. Các sản phẩm nằm trong chương trình giám sát có khả năng thu gom và tái chế lớn, trong đó khoảng 66% chất thải nhựa thu gom để tái chế được xử lý.

Hướng tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa

Ngày 23/11/2018, các Bộ trưởng Môi trường liên bang, bang và vùng lãnh thổ, thông qua Hội đồng Bộ trưởng về môi trường Canada đã thông qua chiến lược toàn Canada nhằm hướng tới loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa.

Chiến lược được xây dựng dựa trên các chương trình hiện có về giảm lượng rác thải tại bãi chôn lấp và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để tận dụng nhựa trong nền kinh tế, nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường. Sử dụng phương pháp tiếp cận vòng đời sản phẩm để giải quyết các khâu từ ngăn ngừa và thiết kế, thu gom và làm sạch, cũng như phục hồi giá trị sản phẩm. Chiến lược phản ánh các ưu tiên của hệ thống quản lý chất thải; vận động nhiều ngành và đối tác cùng tham gia để loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa. Về mặt thị trường, đưa sản phẩm đến những khu vực có thể tái chế và nhựa dùng một lần cũng có thể tái chế.

Rác nhựa bủa vây, đại dương kêu cứu - Ảnh 2.

Chiến lược loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa toàn Canada xác định 10 nội dung ưu tiên gồm thiết kế sản phẩm, nhựa dùng một lần, hệ thống thu gom, năng lực tái chế, nhận thức của người tiêu dùng, các hoạt động thủy sản, nghiên cứu và giám sát, làm sạch và hành động toàn cầu. Các bước tiếp theo là phối hợp giữa các bên liên quan ở cấp liên bang với chính quyền cấp bang và vùng lãnh thổ để xác định giải pháp và thống nhất hành động cụ thể, gọi là kế hoạch hành động. Sau đó là việc thực hiện quy định, cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, giáo dục và đầu tư.

Bà Jacinthe Seguin, Giám đốc Sáng kiến về nhựa, Bộ Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Canada nhấn mạnh: Ở cấp liên bang, chính quyền đang xem xét tất cả các công cụ và đòn bẩy tiềm năng để thúc đẩy chương trình nghị sự loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa. Nhiều cơ quan liên bang đã thực hiện sáng kiến để giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt quan tâm đến vật liệu sử dụng cá nhân, đưa ra hướng dẫn, sáng kiến cấp liên bang để loại trừ, giảm thiểu mức độ sử dụng nhựa, tạo nền tảng để sử dụng nhựa bền vững hơn.

Canada ban hành, thực thi luật pháp và quy định để bảo vệ vùng nước và hệ sinh thái tại Canada khỏi các nguồn gây ô nhiễm khác nhau; hỗ trợ sáng kiến địa phương và dự án cộng đồng như làm sạch bờ biển Canada và thông thái đại dương. Đến tháng 1/2018, các sản phẩm vệ sinh có chứa vi nhựa như sữa tắm, sản phẩm vệ sinh cơ thể, làm sạch da, kem đánh răng đã bị cấm. Lệnh cấm hoàn toàn sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2019.

Trung tâm vì Chính phủ xanh và Chiến lược Chính phủ xanh của Canada bao gồm những cam kết mới để tới năm 2030, giảm ít nhất 75% chất thải nhựa trong các hoạt động của Chính phủ, thông qua giảm chất thải đưa đến bãi chôn lấp; giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của Chính phủ, các cuộc họp, sự kiện; mua sắm các sản phẩm nhựa bền vững có hàm lượng tái chế, tân trang lại.

Công tác khoa học và nghiên cứu về rác biển cũng được quan tâm, thông qua quỹ nghiên cứu liên quan đến hệ sinh thái, các nguồn thải và phân tán chất thải nhựa, tác động của chất thải nhựa, vi sợi, nhựa có khả năng phân hủy; sản xuất nhựa, thị trường, chất thải, phục hồi giá trị như tái chế và công nghệ. Sáng kiến ngăn ngừa ô nhiễm cho các nguồn lợi thủy sản; giảm thất thoát ngư cụ, xử lý tàu thuyền và các cơ sở thủy sản không còn được sử dụng. Canada tài trợ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thông qua quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo nhựa nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm các giải pháp xử lý rác thải nhựa. Quỹ này dành cho 7 thách thức đã được khởi xướng từ ngày tháng 10/2018 gồm đóng gói bao bì thực phẩm, chất thải xây dựng, phân loại rác nhựa, tái chế nhựa được gia cố bằng sợi thủy tinh, loại bỏ và kiểm soát ngư cụ không còn được sử dụng và rác đại dương, đánh bắt bền vững và thiết bị chăn nuôi thủy sản, tăng cường khả năng phân hủy tự nhiên của nhựa sinh học.

Đối với các hoạt động đầu tư quốc tế, Canada đã đầu tư 20 triệu đô la hỗ trợ quỹ Thách thức đổi mới G7, 65 triệu đô la hỗ trợ thông qua Ngân hàng thế giới và 6 triệu đô la thông qua Diễn đàn kinh tế thế giới để hỗ trợ năng lực cho các nước đang phát triển tìm kiếm giải pháp đối phó với vấn đề rác thải nhựa.

Quản lý chất thải nhựa biển ở Việt Nam

Việc sử dụng phổ biến nhựa sử dụng một lần và năng lực quản lý chất thải còn hạn chế ở Việt Nam, đang gây áp lực gia tăng từ rác thải nhựa lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Mức tiêu thụ nhựa tăng nhanh

Việt Nam hiện có 112 cửa sông đổ ra biển, là nguồn vận chuyển chính rác thải nhựa ra đại dương. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 5 quốc gia ở châu Á đứng đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương hàng năm. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Rác thải nhựa xảy ra ở tất cả các vùng biển của Việt Nam. Các thống kê, nghiên cứu của Việt Nam chưa xác định được cụ thể, chính xác về khối lượng, chủng loại rác thải nhựa tồn tại ở vùng biển. Trong khi đó, lượng nhựa được sử dụng tăng nhanh.

Theo báo cáo từng giai đoạn của Hiệp hội Nhựa, năm 2015 Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 41 kg/người năm 2015. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 – 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7 – 8%, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được “kiểm soát”, tuy vậy lượng phế liệu nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và tính đến tháng 10/2018 là 175.000 tấn.

Tăng cường quản lý

Với 80% rác nhựa biển có nguồn gốc từ đất liền, việc quản lý sản xuất các sản phẩm nhựa và tiêu thụ nhựa là quan trọng. Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Tạ Đình Thi cho biết, năm 2018, tại các hội nghị thế giới và khu vực, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực thực hiện sáng kiến trong quản lý rác thải biển và đại dương. Việt Nam đã đề xuất dự án “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”, đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, thiết lập cơ sở tri thức về rác nhựa biển, nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch.

Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” quy mô toàn quốc với các thông điệp chính là các hành động đơn lẻ không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và cần tiến hành các hành động chưa từng thực hiện nhằm giảm thiểu tiêu dùng sử dụng một lần, khuyến khích tái sử dụng nhựa và nâng cao quản lý chất thải; thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp thay thế và giải pháp bền vững góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi vì một thế giới sạch hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kêu gọi từng người dân, bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay. Các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Nguyễn Thế Tuấn cho rằng: Những ưu tiên cần làm ngay là tiến hành rà soát các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quản lý rủi ro do chất thải nhựa thải ra biển để hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm biển Việt Nam và lồng ghép với Chiến lược “Phát triển kinh tế biển xanh” trong sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá thực trạng các công nghệ đang được áp dụng để thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng, tiêu hủy nhựa thải và đề xuất các dự án thí điểm đối với mục tiêu quản lý chất thải nhựa vùng ven biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ thích hợp cho mục tiêu quản lý chất thải nhựa và các tiêu chí hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực phát triển và áp dụng các công nghệ này.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, “Đổi mới công nghệ đến năm 2020”,… đưa các nội dung trong Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon vào chương trình Khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường. Cấp địa phương đã ban hành các quyết định hoặc chỉ thị tăng cường quản lý, sử dụng và thải bỏ túi nilon khó phân hủy, thậm chí ngừng cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất túi nilon khó phân hủy.

Thạc sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải rắn, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi quy định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có yêu cầu phân loại chất thải nhựa tái chế trong chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp; chất thải phải được quản lý từ khâu phát sinh đến thu gom, vận chuyển và xử lý.

Bộ tiếp tục thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010”.

Cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phù hợp để đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ với công nghệ đơn giản hiện nay vào các khu công nghiệp tập trung, nâng cấp công nghệ xử lý, tái chế phù hợp; khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xử lý, tái chế chất thải nhựa; thành lập các khu công nghiệp tái chế nhựa tập trung; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; thúc đẩy hơn nữa việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với các loại túi nilon khó phân hủy; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon.

Ứng dụng công nghệ tái chế rác nhựa

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguy,ên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày.

Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp. Bởi vậy, Việt Nam rất cần áp dụng công nghệ xử lý rác vừa thân thiện môi trường vừa tạo sản phẩm hữu ích.

Tìm kiếm công nghệ xử lý

Các quốc gia trên thế giới hiện vẫn gặp khó khăn với công nghệ xử lý, tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, bởi hầu hết lượng rác thải vẫn đang được chôn lấp là chủ yếu.

Gần đây, các đô thị lớn ở Mỹ đang phát triển mạnh công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt. Phương pháp đốt có thu hồi điện năng, nhiệt năng ở Nhật Bản chiếm 72,8% với công suất lò đốt đa phần khoảng 500-6000 tấn/ngày. Hà Lan có 35% chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp áp dụng công nghệ đốt. Trung Quốc mạnh dạn áp dụng công nghệ đốt ở các cấp độ khác nhau từ sau năm 2.000 và hiện ngành sản xuất lò đốt chất thải rắn phát điện của Trung Quốc rất phát triển. Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các khu đốt chất thải rắn hỗn hợp kết hợp phát điện có công suất tối đa 3.000 tấn/ngày.

Tại Việt Nam, phần lớn chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, điển hình là 2 thành phố lớn như Hà Nội với 95%, TP Hồ Chí Minh với 76%. Một phần được xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy với quy mô khác nhau từ 10-150 tấn/ngày; trong đó chủ yếu là công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu quy mô nhỏ từ 10-12 tấn/ngày.

Cả hai phương pháp không đem lại hiệu quả về môi trường và kinh tế. Chôn lấp gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngân sách nhà nước, chi phí xã hội; lãng phí phần rác có giá trị tái chế; gây ô nhiễm thứ cấp nguồn nước, đất lâu dài. Đốt tiêu hủy xử lý triệt để hơn, tiết kiệm tài nguyên đất nhưng đầu tư nhiều, thời gian triển khai dài, phát sinh khí thải dioxin gây ô nhiễm môi trường…

Thế giới đang có xu hướng lựa chọn công nghệ đốt phát điện và công nghệ nhiệt phân. Đây được xem là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. Hai công nghệ này sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam.

Các tổ chức môi trường trên thế giới đánh giá công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt-hóa, là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất ở thời điểm triển khai trên thực tế hiện nay và khuyến cáo sử dụng thay thế cho các phương pháp xử lý khác. Ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa giải quyết bài toán môi trường vừa giải quyết bài toán năng lượng tái tạo khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm năng lượng xanh như dầu và than nhiên liệu.

Phát triển các giải pháp công nghệ tối ưu

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Việt Nam đang theo hướng từ khoa học công nghệ đưa ra được các vật liệu mới có khả năng thân thiện với môi trường. Việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác là cấp bách.

Công nghệ nhiệt phân xử lý rác nhựa được quan tâm tại Việt Nam khoảng 4-5 năm gần đây. Hiện đã có một số đề tài nghiên cứu về công nghệ này của Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí, Trung tâm Hóa dầu – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ công nghệ mới… Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như: Công ty Môi trường xanh Hải Dương, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty Môi trường xanh Huê Phương… bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Công nghệ nhiệt phân cho phép tái chế rác nhựa hỗn tạp và các loại chất thải không được tái chế hiệu quả bằng phương pháp khác, rác nhựa chưa được làm sạch và bị nhiễm bẩn như nhựa thu hồi từ rác sinh hoạt, rác công nghiệp; đặc biệt nhựa với kích thước lớn.

Công nghệ nhiệt phân phát sinh rất ít nước thải, chủ yếu từ độ ẩm trong rác nhựa, quá trình nhiệt phân những loại nhựa có thành phần nhôm sẽ không tạo ra dioxin như phương pháp đốt. Thiết bị tháo và đóng bao than hoàn toàn kín giúp hạn chế tối đa việc phát tán bụi; hệ thống vận hành tự động hoặc bán tự động giảm nhiều chi phí nhân công. Các thông số được thiết kế hiển thị rõ ràng và chi tiết giúp quá trình vận hành dễ dàng.

Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ điện rác thành năng lượng và cacbon organic – hợp chất dùng để cải tạo đất và sử dụng cho ngành nông nghiệp hữu cơ tốt nhất. Công nghệ này xử lý được tất cả các loại chất thải rắn, rác thải đã chôn lấp. Sản phẩm của công nghệ là điện từ xơ bã rác đã được đo kiểm và hòa lưới quốc gia ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Đất đen cacbon organic đã được Viện Nông nghiệp kiểm định cho kết quả hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân bò, phân gà và cao gấp 2 lần phân bón vi sinh hữu cơ hiện có. Các thành phần kim loại nặng thấp dưới tiêu chuẩn Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy lực – máy HMC nhấn mạnh, điện rác là giải pháp công nghệ mới ứng dụng và nhân rộng trong cộng đồng, tái tạo rác thải thành năng lượng phù hợp với xu thế chung của thế giới là tái tạo năng lượng xanh, tạo đất đen có dưỡng chất phục vụ ngành nông nghiệp hữu cơ, giúp các nhà quản lý tạo ra cơ chế quản lý chất thải rắn hiệu quả, phù hợp hơn với đặc thù rác thải của Việt Nam. Công nghệ và thiết bị trong nước có giá thành đầu tư thấp, nhanh thu hồi vốn, chi phí nhân công giảm do được tự động hóa cao. Ngoài ra, thêm một lợi thế nguồn thu từ chứng chỉ phát thải ngân hàng cacbon.

Xử lý, tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu là ngành có nhiều ý nghĩa lớn về bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo. Công ty trách nhiệm hữu hạn New Technology đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống thiết bị nhiệt phân cùng với hệ xúc tác để nhiệt phân rác nhựa; đã chuyển giao công nghệ thành công cho Công ty Môi trường xanh Hải Dương.

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn New Technology cho rằng Nhà nước cần khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia; hỗ trợ các chính sách ưu đãi về đầu tư xử lý tái chế chất thải nhựa; tăng cường tuyên truyền chính sách tái chế chất thải rắn, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và đơn vị xử lý chất thải để có thể kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát các nguồn thải, không cho phép các cơ sở tái chế chất thải hoạt động trái phép, không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *