Sản xuất hóa chất cơ bản toàn cầu – triển vọng tăng trưởng và những thách thức

QUẢNG CÁO

Ngành sản xuất hóa chất cơ bản toàn cầu hiện nay đang có triển vọng nhìn chung là tích cực, tuy nhiên một số sự kiện địa chính trị sắp tới có thể ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của ngành.

Những sản phẩm chính

Những sản phẩm chính của ngành sản xuất hóa chất cơ bản là propylen, etylen, benzen, metanol, clo và paraxin. Những sản phẩm này cùng nhau tạo thành các khối thành phần cơ bản cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu. Phần lớn những hóa chất đó được sử dụng trong sản xuất các chất dẻo hàng hóa (PP, PE, PS, PET, PVC) với sản lượng tổng cộng 255 triệu tấn trong năm 2018, chiếm khoảng 50% tiêu thụ hóa chất cơ bản.

Vì vậy, các nhà sản xuất hóa chất thường xuyên quan tâm đến các xu hướng tiêu thụ và sản xuất chất dẻo, đặc biệt là những nỗ lực của các cơ quan hành pháp tại các nước trong việc cấm hoặc đánh thuế cao các sản phẩm chất dẻo.

Nhìn chung, từ năm 2015 đến nay nhu cầu hóa chất cơ bản đã tăng 19,6 triệu tấn/ năm nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt hơn 3%/năm. Những dự báo về nhu cầu tương lai cũng khá tích cực, với những thị trường propylen, xút-clo và etylen tiếp tục thể hiện sức mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà phân tích thị trường đã trở nên thận trọng hơn và dự báo lợi nhuận trong sản xuất hóa chất cơ bản sẽ giảm so với hai năm trước.

Mỹ

So với các khu vực khác trên thế giới, tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn nhất thế giới với lượng tiêu thụ các sản phẩm hóa chất và hàng tiêu dùng rất lớn đang tạo ra vị thế tích cực cho các nhà sản xuất hóa chất tại Mỹ. Hiện nay, Hội đồng hóa chất Mỹ dự báo sản lượng hóa chất Mỹ (không kể dược phẩm) sẽ tăng 3,6% trong năm 2019, cao hơn so với mức 3,1% đã tương đối cao của năm 2018.

Sau một thập niên nhu cầu tăng trưởng liên tục, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn trong sản xuất hóa chất tại Mỹ đã bắt đầu đi vào vận hành hoặc sắp được đưa vào vận hành. Đây là cơ hội lý tưởng để công nghiệp hóa chất Mỹ gia tăng doanh số các sản phẩm hóa chất. Theo báo cáo của tạp chí C&EN về triển vọng công nghiệp hóa chất Mỹ năm 2019, nhu cầu cao đối với hóa chất sử dụng trong sản xuất đang ăn khớp chặt chẽ với sự gia tăng công suất sản xuất khi các nhà máy hóa chất mới được khánh thành để tận dụng những lợi thế của nguồn tài nguyên khí đá phiến.

Nhưng mối đe dọa lớn đối với những triển vọng này là những căng thẳng đang tiếp diễn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay.

Mới đây, một báo cáo của Công ty phân tích thị trường ICIS cho biết, một số dự án PE đã được đưa vào vận hành từ cuối năm 2017, với một tỷ lệ lớn công suất dành cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã trở thành những yếu tố cản trở kế hoạch mở rộng xuất khẩu PE của Mỹ, khiến cho hàng tồn kho PE gia tăng. Trong khi đó, sản xuất PE là lĩnh vực tiêu thụ etylen lớn nhất tại Mỹ.

Hiện nay, các sản phẩm chất dẻo và hóa chất trị giá 15,4 tỷ USD của Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách tăng thuế của Mỹ, đồng thời lượng hàng hóa trị giá 10,8 tỷ USD của Mỹ cũng đã bị đưa vào danh sách đánh thuế trả đũa của Trung Quốc.

Trung Đông

Một trong những khu vực được hưởng lợi lớn nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ -Trung là Trung Đông với khả năng tận dụng các lợi thế khi các cuộc đàm phán thương mại đi vào ngõ cụt. Gần đây, khu vực Trung Đông đã chứng kiến sự gia tăng mạnh trong đầu tư vào công nghiệp hóa chất, cả đầu tư trong nước và đầu tư của nước ngoài, tạo ra cạnh tranh mạnh để lấp lỗ hổng mà các nhà sản xuất hóa chất Mỹ và Trung Quốc để lại trên các thị trường của chính mình.

Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đã bật đèn xanh và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư với tiềm lực tài chính mạnh của Trung Đông. Công ty Saudi Aramco của Arập Xê-út đang dẫn đầu các nhà đầu tư này với cam kết sẽ đầu tư 100 tỷ USD trong 10 năm vào các dự án sản xuất hóa dầu.

Hơn nữa, các nhà quan sát thị trường công nghiệp hóa chất cho rằng, Công ty Saudi Aramco đang có kế hoạch xây dựng một trong những tổ hợp lọc dầu và sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới tại ấn Độ với vốn đầu tư 44 tỷ USD. Công ty cũng đang xem xét việc xây dựng một dự án etylen và hydrocacbon thơm tại Port Athur (Texas, Mỹ).

Đồng thời, Công ty dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi cùng với các đối tác đang đầu tư 45 tỷ USD vào sản xuất hóa chất. Mục đích của kế hoạch này là đến năm 2025 tăng gấp ba công suất cuối dòng tại Ruwais (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất). Một phần của kế hoạch là một nhà máy crăcking mới và một tổ hợp sản xuất dẫn xuất trong liên doanh với Công ty Borealis.

Những khoản tiền đầu tư lớn như vậy sẽ có những ảnh hưởng lâu dài đến công nghiệp hóa chất, có thể so sánh với làn sóng đầu tư tổng cộng khoảng 200 tỷ USD trong thời kỳ phát triển bùng nổ của ngành khai thác khí đá phiến Mỹ vào thập niên 1990.

Cũng cần nói đến mục tiêu của chính phủ Arập Xê-út khi mở rộng sản xuất hóa chất chuyên dụng và các sản phẩm tiên tiến hơn với nỗ lực tạo thêm nhiều công ăn việc làm trong đất nước. Càng đi xuống phía dưới chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng sẽ càng cao và sản xuất sẽ càng cần nhiều lao động hơn.

Hiện nay, chỉ có khả năng tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt chống Iran hoặc khả năng xảy ra các mâu thuẫn trong vùng Vịnh Ba Tư ảnh hưởng đến dòng dầu mỏ lưu thông qua eo biển Hormutz là những áp lực tiêu cực duy nhất đối với sản xuất hóa chất cơ bản tại Trung Đông.

Châu Âu

Triển vọng tiêu cực nhất trong số các thị trường hóa chất toàn cầu thuộc về châu Âu, nơi mà các nền kinh tế tiếp tục trì trệ và những biến động chính trị vẫn chưa chấm dứt. Theo báo cáo của tạp chí C&EN về triển vọng năm 2019, sản lượng hóa chất châu Âu sẽ chỉ tăng trưởng ở mức yếu 0,5% trong năm 2019, đạt 620 tỷ USD. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng chậm và ổn định, trong đó công nghiệp hóa chất và dược phẩm Đức được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2019. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức, giá hóa chất tại Đức sẽ tăng 1% trong năm 2019, doanh số hóa chất sẽ tăng 2,5%, thương mại hóa chất sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn là 2,5%/năm. Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu Âu cũng thể hiện quan điểm lạc quan một cách thận trọng đối với triển vọng năm 2019.

Thách thức mà công nghiệp hóa chất châu Âu đang phải đối mặt là triển vọng tăng trưởng yếu có thể dễ dàng chuyển thành xu hướng suy giảm. Với một số nền kinh tế trong khu vực đang phải chật vật để duy trì tăng trưởng, các biện pháp trừng phạt tiếp tục đối với Nga đang ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, nợ quốc gia của Italia đe dọa sẽ nhấn chìm cả khu vực, vì vậy công nghiệp hóa chất tại đây có lý do để lo ngại.

Hơn nữa, mối đe dọa của triển vọng nước Anh rút khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận có thể gây ra tình trạng hỗn loạn ở tất cả các lĩnh vực của các ngành công nghiệp châu Âu, có khả năng dẫn đến suy thoái trong khu vực.

Theo các công ty sản xuất hóa chất Đức, triển vọng về một Brexit không thỏa thuận sẽ rất có hại cho hoạt động của họ. Phòng Công thương Đức ước tính, Brexit không thỏa thuận sẽ khiến cho 750.000 việc làm tại Đức có nguy cơ bị mất.

Trung Quốc

Trong khi đất nước được mệnh danh là phân xưởng của thế giới trong thế kỷ 21 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao và mức sống của người dân được nâng cao, các lĩnh vực sản xuất và hóa chất tại đây lại đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Ba thách thức lớn nhất đối với công nghiệp hóa chất Trung Quốc là những lo ngại về môi trường, các vấn đề an toàn sản xuất và xu hướng thắt chặt nguồn vốn đầu tư.

Các chính sách vĩ mô tại Trung Quốc hiện nay đang hạn chế đầu tư tư nhân trên toàn bộ đất nước, ảnh hưởng nhiều nhất đến công nghiệp hóa chất là ngành cần nhiều vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường McKinsey, đầu tư vào công nghiệp hóa chất Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đầu tư này là thuế của Mỹ đánh vào quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc. Chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành dệt may Trung Quốc – ngành dệt may lớn nhất thế giới. Các dữ liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc năm 2017 đạt tổng cộng 110 tỷ USD, vượt xa EU ở vị trí thứ hai với 69 tỷ USD. Hơn nữa, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại dưới tác động của chiến tranh thương mại, chi tiêu cho quần áo của người dân trong nước cũng sẽ giảm

Dưới tác động kết hợp giữa sự thiếu vắng các biện pháp kích thích kinh tế thực sự mới trong quý 1/2019 và khả năng hạn chế của Trung Quốc đối với việc kích thích nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2019, sự phát triển của chuỗi giá trị polyeste tại Trung Quốc có khả năng sẽ không đáp ứng kỳ vọng. Tuy báo cáo của WTO dự báo nhu cầu MEG tại Trung Quốc sẽ tăng từ 16 triệu tấn năm 2018 lên 17 triệu tấn năm 2019 và nhu cầu sợi polyeste sẽ tăng từ 41,4 triệu tấn năm 2018 lên 43,7 triệu tấn năm 2019, nhưng chiến tranh thương mại có khả năng sẽ buộc các nhà kinh tế phải giảm dự báo nhu cầu của mình.

Triển vọng tương lai

Tuy những dự báo ngắn hạn cho thấy khả năng tăng trưởng đều đặn của ngành sản xuất hóa chất cơ bản, với sản lượng và doanh thu tăng, nhưng vẫn còn đó những lo ngại không ngừng về khả năng sẽ xảy ra những diễn biến xấu.

Những dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit cũng nhấn mạnh điều đó. IHS Markit ước tính tổng nhu cầu hóa chất cơ bản toàn cầu năm 2018 đã tăng đến 515 triệu tấn, cao hơn 20 triệu tấn so với năm 2017. Những hóa chất cơ bản sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất là etylen (8 triệu tấn), propylen (5 triệu tấn), benzen (1,6 triệu tấn) và paraxylen (3 triệu tấn). Nhưng đối với tất cả các khu vực chính trên thế giới, IHS Markit dự báo lợi nhuận của công nghiệp hóa chất sẽ giảm do cung vượt cầu ở các thị trường quan trọng buộc giá bán hóa chất và các sản phẩm dẫn xuất phải xuống thấp hơn, trong khi đó giá năng lượng và nguyên liệu không thay đổi hoặc có thể tăng cao hơn.

Nhìn chung, xu hướng tăng trưởng của công nghiệp hóa chất toàn cầu vẫn đang tiếp diễn nhờ sự tăng trưởng kinh tế ở châu Á và châu Mỹ cũng như sự gia tăng mức sống ở châu Phi và châu Mỹ La tinh. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, khả năng suy thoái ở châu Âu dưới tác động của Brexit, các chính sách bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ ở Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Nga, chiến tranh chống Iran và các sự kiện địa chính trị bất ngờ có thể sẽ tạo nên một viễn cảnh ảm đạm hơn đối với kinh tế thế giới cũng như công nghiệp hóa chất toàn cầu.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn: Chemistry & Industry

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *