(H2N2)-Mỗi năm, các nhà máy sản xuất các thành phần thuốc nhuộm và chất tẩy trắng thải ra hàng tỷ m3 nước thải độc hại. Mới đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một quy trình để chuyển phế thải này thành một hoạt chất của thuốc điều trị bệnh lao phổi.
Hiện nay, quá trình sản xuất trên quy mô công nghiệp tiền chất 4,4′-dinitrostilbene-2,2′-disulfonic acid (DNS) của thuốc nhuộm thường tạo ra các sản phẩm phụ khó phân hủy và không phân hủy sinh học, ví dụ axit p-nitrotoluen-o-sulfonic. Việc xử lý các phế thải này tiêu tốn rất nhiều năng lượng nên chi phí rất cao.
Kỹ sư Xiaobin Fan và cộng sự tại Đại học Thiên Tân, Trung Quốc, đã phân tích các thành phần của nước thải nói trên và phát hiện ra rằng tất cả các chất gây ô nhiễm trong đó đều có một cấu trúc chung cơ bản là có một axit sulfonic thơm được thay thế. Khi tìm cách chuyển hóa các hóa chất có cấu trúc cơ bản này thành những chất hữu ích họ đã đi đến một quy trình bao gồm oxy hóa, khử và xử lý bằng natri hyđroxit để chuyển hóa hơn 85% các chất gây ô nhiễm trong nước thải thành axit 4-amino-2-hydroxybenzoic (paramyxin), đây là thành phần của hỗn hợp thuốc dùng để điều trị bệnh lao phổi kháng thuốc. Mỗi năm, các nhà sản xuất dược phẩm trên thế giới sản xuất khoảng 500 tấn paramyxin.
Chi phí xử lý nước thải của quy trình sản xuất DNS thường là khoảng 4 USD/ m3 nước thải, nhưng quy trình mới nói trên cho phép thu hồi hóa chất trị giá 77USD từ mỗi m3 nước thải. Quy trình sản xuất paramyxin này cũng thân môi trường hơn các phương pháp hiện nay, do nó tạo ra ít phế thải hơn.
Công ty Hóa chất Huayu tại Trung Quốc đã cộng tác với các nhà nghiên cứu và triển khai quy trình mới trên quy mô pilot để hoàn thiện công nghệ.
THU UYÊN
Nguồn Vinachem/Chemical & Engineering News