(H2N2)-Được biết, dầu thực vật nếu sử dụng nhiều lần sẽ khiến các thành phần trong dầu bị phân hủy thành chất tác động xấu đến quá trình trao đổi chất của con người. Nếu dầu đã qua sử dụng được đổ ra môi trường mà không được xử lý… cũng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.
Thạc sĩ Ninh Đức Hà, Viện KH&CN quân sự – người tham gia đề tài nghiên cứu nhiên liệu sinh học cho biết: Việc ứng dụng điêzen sinh học tại Việt Nam nói chung và quân đội nói riêng là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tận thu nguồn dầu thực vật phế thải là một hướng khai thác, góp phần đảm bảo ổn định đầu vào nguồn nhiên liệu để sản xuất điêzen sinh học.
Nguyên liệu dầu ăn thực vật thải được Viện KH&CN quân sự thu mua về làm sạch bằng dung dịch axit sunfuric nồng độ 98%. Sau khi dầu thải được xử lý làm sạch, hàm lượng axit béo giảm xuống đáng kể, còn 0,49% (dầu ăn thải chưa qua xử lý là 1,05%), đồng thời tỷ trọng dầu thải qua xử lý cũng giảm nhiều. Dầu sau khi đã được làm sạch cho vào bình để thực hiện thông qua quá trình este hóa bằng cách cho phản ứng hóa học từ nhiệt độ 40-50 oC, rồi tiếp tục chưng cất ở nhiệt độ 70 oC. Sau quá trình chiết xuất tăng nhiệt độ dần lên đến 90-110 oC, lọc tách ta sẽ được sản phẩm điêzen sinh học (B100). Tuy nhiên, sản phẩm điêzen sinh học này chưa sử dụng được ngay vì vẫn còn những hạn chế như: gây ăn mòn các chi tiết động cơ, tạo cặn trong bình nhiên liệu do tính dễ bị ô xi hóa làm hư hại nhanh các đệm cao su do không tương thích. Chính vì vậy, theo Thạc sĩ Hà, cần phải phối trộn điêzen sinh học được tổng hợp với chất phụ gia đa chức năng amit ở nồng độ chất phụ gia là 0,2%. So sánh, kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật của điêzen sinh học khi chưa có và có phụ gia cho thấy: trị số xê tan (46,1 và 48,7); độ nhớt (4,5581 và 4,6506); hiệu quả bảo vệ ăn mòn % (88,94 và 98,99). Các giá trị sau khi pha chất phụ gia đều phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật QCVN 1:2009 về nhiên liệu sinh học B100. Ngoài ra, chất phụ gia đa chức năng được sử dụng có thể thay thế cho nhiều loại phụ gia phải sử dụng trước đây để cải thiện tính chất của điêzen sinh học, nhờ vậy làm giảm giá thành của sản phẩm điêzen sinh học.
Quy trình công nghệ sản xuất điêzen sinh học từ dầu thực vật thải của Viện KH&CN quân sự hoàn toàn đạt yêu cầu kỹ thuật của TCVN B7717:2007 và Quy chuẩn quốc gia QCVN1:2009 về nhiên liệu sinh học. Sản phẩm điêzen sinh học là nhiên liệu không độc, không nổ, có thể tự phân hủy, không độc hại và ô nhiễm môi trường như dầu điêzen bình thường. Điêzen sinh học được pha chế với điêzen có nguồn gốc dầu mỏ tạo ra nhiên liệu dùng trong thương mại. Hiện nay, điêzen sinh học được sử dụng với các dạng sau đây: B5 gồm 5% điêzen sinh học pha với 95% dầu điêzen; B10 gồm 10% điêzen sinh học pha với 90% dầu điêzen; B20 gồm 20% điêzen sinh học pha với 80% dầu điêzen.
Nguồn Báo Công thương