Những nghiên cứu được công bố gần đây đã cho thấy, việc sử dụng sinh khối để sản xuất điện trung bình sẽ có hiệu quả hơn 80% so với chuyển đổi sang các dạng nhiên liệu sinh học. Thêm vào đó việc chuyển đổi sang dạng điện năng sẽ có hiệu quả gấp 2 lần về mặt giảm phát thải khí nhà kính. Những nghiên cứu cũng ngụ ý rằng việc đầu tư vào các công nghệ sản xuất etanol thậm chí là dựa trên những quá trình mang lại hiệu quả nhất có thể là một định hướng sai lầm. Mặc dù nguồn nhiên liệu sinh khối khi đốt sẽ phát thải ra CO2 nhưng nhìn chung cả quá trình sẽ phát thải ít CO2 hơn là đốt các nhiên liệu hóa thạch bởi vì nếu tốc độ khai thác cùng với tốc độ tái tạo thì lượng sinh khối bổ sung sẽ hấp thụ những khí phát thải ra của quá trình trước.
Chu trình sản xuất năng lượng sinh khối – Ảnh: IAAC
Giáo sư Mark Jacobson, Khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường của Đại học Stanford đã thực hiện một nghiên cứu tương tự với mức độ sâu hơn liên quan đến tác động môi trường của các lựa chọn nguồn năng lượng khác nhau. Mặc dù ông không ủng hộ sử dụng năng lượng sinh khối ở cả mặt sản xuất điện năng cũng như chuyển hóa thành etanol, nhưng nghiên cứu của ông cũng chỉ ra rằng chuyển đổi thành etanol không phải là một lựa chọn hiệu quá. Đốt cháy sinh khối không thực sự là một cách tốt nhất để sản xuất điện năng nhưng ít nhất hiệu quả hơn việc chuyển sang dạng nhiên liệu sinh học. Phương tiện di chuyển bằng động cơ điện có hiệu quả hơn phương tiện có động cơ đốt bằng etanol ít nhất 4 đến 5 lần. Điều này cũng được kiểm chứng qua các thí nghiệm với mô hình phân tích nhiên liệu sinh học (ERG Biofuel Analysis Meta-Model-EBAMM) của Đại học California, Berkeley. Mô hình phân tích áp dụng cho các loại xe điện và xe có động cơ đốt trong bằng nhiên liệu trên các lộ trình khác nhau như trong thành phố và trên đường quốc lộ. Mặc dù có lộ trình như nhau nhưng xe điện vận hành tốt hơn xe động cơ đốt trong bằng etanol.
Theo Technology Review