Tác động của thỏa thuận hậu Brexit đối với công nghiệp hóa chất EU và Anh

QUẢNG CÁO

Ngày 24/12/2020, EU và Anh đã đạt được thỏa thuận hậu Brexit về hợp tác thương mại cũng như các hợp tác khác trong tương lai, chấm dứt nhiều tháng bất đồng và đàm phán tích cực. Thỏa thuận này giữa hai bên đã được ký một tuần trước khi kết thúc thời kỳ chuyển tiếp Brexit vào ngày 31/12/2020. Trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016, người dân Anh đã bỏ phiếu chấp thuận việc rời bỏ EU, nước Anh chính thức rời bỏ EU từ tháng 1/2020.

hoa chat chau au

Những phấn khích ban đầu

Cuộc đàm phán nói trên giữa Anh và EU dựa trên cơ sở của một thỏa thuận về tự do thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ, tạo ra mức thuế bằng 0 và hủy bỏ hạn ngạch đối với tất cả các loại hàng hóa tuân thủ quy tắc xuất xứ. Thỏa thuận cũng bao gồm nhiều lĩnh vực như đầu tư, cạnh tranh, trợ cấp của nhà nước, giao thông vận tải, năng lượng, an ninh và bảo vệ môi trường. EU và Anh cam kết sẽ duy trì nỗ lực bảo vệ môi trường ở cấp cao, kể cả kế hoạch định giá phát thải cacbon.

Trong khi đó, Ủy ban châu âu cho biết cơ chế bắt buộc tuân thủ và giải quyết tranh chấp sẽ bảo đảm quyền của các công ty kinh doanh, người tiêu dùng và các cá nhân được tôn trọng. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp ở cả hai bên sẽ cạnh tranh bình đẳng với nhau và không bên nào sẽ sử dụng quyền tự quyết của mình để trợ cấp không công bằng hoặc bóp méo cạnh tranh trên thị trường.

Theo bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu âu, thỏa thuận đã đạt được là “công bằng và cân đối”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi đây là “thỏa thuận tự do thương mại đầu tiên dựa trên mức thuế quan và hạn ngạch bằng 0 đã đạt được với EU”. Ông cũng gọi đó là thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất mà một trong hai bên đã ký, bao gồm tổng giá trị thương mại 898 tỉ USD trong năm 2019.

Thỏa thuận nói trên có những tác động quan trọng đối với công nghiệp hóa chất. Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Anh với trụ sở tại Luân Đôn ước tính 60% xuất khẩu hóa chất của Anh được xuất sang EU và Anh mua 75% nguyên liệu từ EU. Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu âu (CEFIC) và Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Anh ước tính thương mại hóa chất giữa EU và Anh đạt tổng giá trị khoảng 54 tỉ USD/năm. Việc Anh rút khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan với EU có nghĩa là, mặc dù mức thuế bằng 0 nhưng vẫn sẽ có những hàng rào phi thuế quan đối với hoạt động thương mại, ví dụ các thủ tục giấy tờ tăng thêm và chi phí cao hơn đối với việc đáp ứng các quy định pháp lý.

Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Anh cho biết, họ đã thấy “nhẹ nhõm” khi thỏa thuận trên khẳng định thương mại tự do giữa hai bên. Nếu thỏa thuận thất bại, công nghiệp hóa chất Anh sẽ phải chịu thiệt hại tối thiểu 1 tỉ bảng mỗi năm.

Thủ tướng Johnson ghi nhận có những khác biệt giữa quy định pháp lý về hóa chất giữa Anh và EU, hóa chất là lĩnh vực mà hai bên có thể đưa ra những quy định riêng của mình. Chính phủ Anh đang chuẩn bị ban hành phiên bản Luật Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế sử dụng hóa chất (REACH) cho riêng nước mình, tuy nhiên hai bên sẽ phải hợp tác để thỏa thuận về những trách nhiệm chung liên quan đến REACH.

Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức (VCI) cho rằng thỏa thuận Brexit đã tránh được tình huống xấu nhất và đặt nền móng cho sự hợp tác chặt chẽ trong tương lai giữa hai bên.

Những vấn đề còn tồn tại

Tuy nhiên, một số vấn đề và lo ngại vẫn còn lại khi công nghiệp hóa chất bắt đầu phải hoạt động theo những quy định mới của thỏa thuận hậu Brexit.

Tuy tránh được trường hợp xấu nhất, các công ty đã bắt đầu phải làm quen với các thủ tục thông quan phức tạp hơn. Những thủ tục này khiến cho các nhà sản xuất hóa chất với hoạt động sản xuất phân tán giữa hai bên phải đau đầu và có thể gây ra chậm trễ đối với nguồn cung hàng hóa cũng như nguyên liệu.

Hiệp hội sơn của nước Anh dự kiến các công ty trong ngành sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn về thủ tục hải quan theo hệ thống thông quan mới. Các thành viên của Hiệp hội đã trữ hàng dự phòng trước ngày 1/1/2021 và trì hoãn nhiều đợt giao hàng để tránh ùn tắc khi làm thủ tục ở biên giới. Tuy nhiên, các công ty cho rằng nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong thời gian tới, khi hoạt động giao thương qua biên giới tăng dần. Tình hình đó chắc chắn sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm khi các nhà sản xuất Anh tìm cách bù đắp chi phí tăng thêm vì các thủ tục thông quan. Các công ty Anh xuất khẩu sơn và mực in sang EU lo ngại sẽ gặp bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh ở EU, vì những công ty EU này không phải đối mặt với rào cản biên giới khi xuất sang các nước EU khác.

Các công ty nhỏ sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng do không có nhiều nguồn lực để chuẩn bị trước và ứng phó với các thay đổi. Giám đốc một công ty hóa chất cỡ nhỏ gần Cambridge (Anh) cho rằng hiện đang có những tác động ẩn đối với các công ty nhỏ hoạt động qua biên giới. Vì vậy, Công ty đã thành lập một chi nhánh ở Ailen, đồng thời di chuyển hoạt động sản xuất sang Pháp và Đức.

Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn còn tồn tại là các cuộc đàm phán về thỏa thuận Brexit đã không dẫn đến hiệp định chia sẻ dữ liệu hóa chất giữa Anh và EU. Trong phụ lục của thỏa thuận hậu Brexit, các bên chỉ cam kết trao đổi các thông tin không bảo mật. Do không có quyền tiếp cận Cơ sở dữ liệu hóa chất của châu âu (ECHA), Anh sẽ bắt buộc phải xây dựng lại từ đầu cơ sở dữ liệu hóa chất của riêng mình. Các công ty trong ngành hóa chất Anh sẽ phải mất chi phí tổng cộng đến 1 tỉ bảng Anh để đăng ký hóa chất theo phiên bản REACH của Anh.

Bên cạnh đó, tính thực tiễn và những tác động của việc thực hiện phiên bản REACH kiểu Anh sẽ thể hiện dần trong vài năm tới. Các công ty hóa chất, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ sẽ phải theo dõi chặt chẽ những khác biệt với các tiêu chuẩn an toàn hóa chất của EU, do chính phủ Anh sẽ bắt đầu đưa ra những quyết định riêng về việc cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất.

Những khác biệt như vậy cũng rất có thể sẽ dẫn đến tăng thuế nếu trong tương lai một bên nhận thấy bên kia đưa ra những quy định khác biệt đến mức tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng. Hiệp hội sơn Anh cảnh báo, nếu các mức thuế mới được áp lên sản phẩm hóa chất, ngành sơn và mực in của Anh có thể mất thêm chi phí hơn 100 triệu bảng Anh/ năm.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Vinachem/Chemweek

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *