(H2N2)-Cách đây 25 năm một đám mây carbon dioxide (CO2) lan tỏa từ hồ Nyos ở Cameroon bất ngờ ập xuống những ngôi làng quanh hồ, làm chết hơn 1.700 người. Đến hôm nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao khí độc lại thoát ra từ hồ.
Đối với người dân làng Nyos, thì ngày thứ năm là một ngày quan trọng vì có phiên chợ. Hàng nghìn người đổ về đây để mua bán và gặp gỡ bà con, bạn bè.
Ngày 21/8/1986 cũng là ngày thứ năm. Không khí ở làng Nyos hết sức rộn ràng vì năm nay cả làng được mùa ngô. Không một ai trong làng nhận thấy chỉ cách làng độ 3 km, một sự gì đó lạ thường đang diễn ra. Cho đến 8 giờ 30 phút hôm đó họ bỗng nghe thấy tiếng sùng sục.
Sau này các nhân chứng kể lại, tiếng gầm réo kéo dài độ vài chục giây đồng hồ, mọi người chạy vội ra khỏi những túp lều tranh và nhìn trừng trừng về phía hồ. Trước mặt họ là một cột nước khổng lồ, những đám khói trông tựa mây trắng ùn ùn đùn lên từ mặt hồ. Hàng nghìn con bò bị chết. Sự kiện thiên nhiên xảy ra quá đột ngột tại hồ Nyos chỉ ít phút nhưng hậu quả khôn lường.
Vào thời khắc đó gió thổi khá mạnh, khoảng 70 km/giờ, đám mây từ hồ lan tỏa ra rất nhanh và bao phủ nhiều làng quê thanh bình. Những đám mây này chính là khí CO2 đậm đặc, nặng hơn không khí vì thế người dân sống ở ven hồ hoàn toàn không có cơ hội thoát thân. Những người đàn ông vừa mới đây còn trò chuyện vui vẻ với nhau giờ ngã gục xuống, nhiều người cảm thấy như không còn có chân tay, trẻ em bị ngưng thở, chim từ trên trời rơi xuống đất.
1.700 người và 8.000 gia súc đã bị chết trong thảm họa hồ Nyos. |
Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ đã có tới trên 1.700 người bị chết ngạt. Mười ngày sau người ta vẫn tìm thấy xác chết trong trong vòng 10 km quanh hồ. Hàng nghìn đại gia súc bị chết. Một số người bị hôn mê kéo dài, có người sau mãi 36 tiếng đồng hồ mới hồi tỉnh.
Thảm họa hồ Nyos làm cho cả thế giới bàng hoàng và nhớ đến một sự kiện tương tự xảy ra trước đó hai năm ở hồ Monoun, cũng ở Cameroon, làm 37 người bị thiệt mạng. Trường hợp hồ Nyos có tầm cỡ lớn hơn nhiều – nhiều làng như Nyos, Cha và Subum hầu như bị xóa sổ không còn một ai.
Phần lớn những người sống sót đều kể về một triệu chứng rất giống nhau như bị xa sẩm mặt mày, chóng mặt ngay sau vụ nổ. Nhiều người cảm thấy bối rối và choáng váng sau đó bị ngất xỉu. Mọi người đều ngửi thấy một mùi thum thủm như mùi trứng thối hoặc thuốc súng, chứng tỏ đây là triệu chứng bị ngộ độc CO2.
Cái nút đã bật ra
Ngay sau khi xảy ra thảm họa, một nhà địa chất Cameroon phát hiện mực nước trong hồ Nyos giảm khoảng 1 mét và đi đến nhận định lượng nước giảm sút ở hồ Nyos tương đương trọng lượng của khoảng 1,7 triệu tấn CO2.
Hồ Nyos vốn nằm trên miệng núi lửa, được hình thành trong quá trình nguội đi của núi lửa và do tích tụ nước mưa. Lượng CO2 thoát ra từ núi lửa tích tụ hàng trăm năm trong đáy hồ nước không thoát đi. Nhiệt độ ấm áp quanh năm ở vùng hồ Nyos và phụ cận là nguyên nhân làm cho khí CO2 không thoát ra ngoài được. Nhiệt độ ấm này làm cho lớp nước ở mặt hồ có nhiệt độ cao hơn so với khí CO2 lớp đáy hồ và lớp nước mặt hồ tạo thành một “cái nút’’giữ cho CO2 không thể thoát ra. Và vì lý do nào đó, cái nút bị hỏng, khiến lớp khí độc chết người bùng nổ và bắn tung lên trời.
Vậy “cái nút” đó là cái gì?
Đây chính là câu hỏi mà các nhà khoa học đã bận tâm nghiên cứu từ mùa hè năm 1986. Ban đầu người ta nghi ngờ khí CO2 bị đẩy lên do phun trào núi lửa dưới lòng hồ. Tuy nhiên các chuyên gia địa chất đã kết luận, do lở đất nên lớp mặt nước ấm áp bị lộn xuống dưới, đồng thời nước từ dưới đáy bị đẩy lên trên. Khí CO2 từ trạng thái hòa tan sẽ thoát ra ngoài giống như các bọt khí nổi lên từ một chai nước bị mở nắp. Những bong bóng khí đó lôi cuốn nước lên cao và khi lên khỏi mặt nước chúng bùng lên thành một cột nước khổng lồ và nổ tung, từ đó CO2 thoát ra tựa như những đám mây.
Kịch bản cho thảm họa tiếp theo
Từ đó hồ Nyos mệnh danh là “Killersee” (hồ giết người), chính phủ buộc người dân trong các làng ở quanh hồ phải di rời đi nơi khác. Nhà cửa của người dân ở đây thậm chí bị tháo dỡ để không ai dám nghĩ đến chuyện quay trở về. Nhưng vùng đất nở phía nam hồ Nyos lại rất mầu mỡ hấp dẫn nên người dân bất chấp thảm họa và sự cấm đoán của chính quyền: Những đàn bò đông đúc ung dung gặm cỏ, vùng ven hồ ngô mọc xanh rờn thẳng cánh cò bay. Từ những năm 90 người ta đã thả cá ở hồ và chúng phát triển rất tốt, trước đó hồ này hầu như không có cá.
Nhưng từ năm 2001, lượng khí độc CO2 ở vùng đáy hồ đã tăng gấp đôi so với năm 1986, khi xảy ra thảm họa. Để tránh thảm họa, từ năm 2001, người ta đã tiến hành khử khí trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên để thực hiện điều này phải xây dựng một hệ thống gồm 5 đường thoát khí độc, nhưng nay mới có một đường ống đi vào hoạt động.
Tình hình khá khẩn trương. Theo ủy nhiệm của Liên hiệp quốc, một nhóm chuyên gia Hà Lan đã tiến hành nghiên cứu tại đây. Và có nguy cơ sẽ xảy ra một tai họa còn lớn hơn cả vụ nổ khí CO2 trước kia. Một con đê tự nhiên bằng đá núi lửa ở phía bắc hồ Nyos có nguy cơ bị vỡ. Nếu xảy ra vỡ đê thì nước ở hồ Nyos trên vùng cao sẽ đổ xuống vùng hạ lưu dài trên 60 km kéo dài đến biên giới Nigeria và có thể nhấn chìm hàng nghìn nhân mạng.
<
p class=”detail_author”>Nguồn Tia sáng