(Hóa học ngày nay-H2N2)-Ngày 14/9, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí đã tổ chức lễ khánh thành Dự án xây dựng Hệ thống thu hồi CO2 từ khí thải của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Lượng CO2 thu hồi sẽ được dùng để sản xuất phân u – rê.
Ngày 14/9, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã tổ chức lễ khánh thành Dự án xây dựng Hệ thống thu hồi CO2 từ khói thải của lò phản ứng Primary Reformer của Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) với mục đích tăng sản lượng phân urea hàng năm của Nhà máy này thêm 60.000 tấn/năm.
Hệ thống thu hồi CO2 nói trên không chỉ làm giảm lượng khí thải tương đương là 40.000 tấn CO2/năm để bảo vệ môi trường mà còn cung cấp khí CO2 có độ tinh khiết 99%, và lượng CO2 này sẽ kết hợp với lượng ammonia (NH3) dư thừa của Nhà máy trong quá trình sản xuất để tổng hợp thành phân u – rê.
Sau khi Dự án trên đi vào hoạt động, sẽ nâng công suất thiết kế của Nhà máy Đạm Phú Mỹ từ 740 ngàn tấn urea /năm tăng lên 800.000 tấn, góp phần tăng nguồn cung phân bón trên thị trường trong nước.

Dự án đã được khởi công vào đầu tháng 01/2009 với tổng giá trị trên 27 triệu USD, sử dụng công nghệ thu hồi CO2 của Mistubishi Heavy Industries, Ltd. (Nhật Bản), và hoàn thành trước dự kiến 5 tháng..
Đây là công nghệ thu hồi CO2 “KM-CDR Process” độc quyền của Mistubishi Heavy Industries, Ltd., là một trong các công nghệ thu hồi CO2 tiên tiến trên thế giới hiện nay cho phép thu hồi triệt để CO2 từ khí thải công nghiệp để sản xuất CO2 với độ tinh khiết cao 99%.
Hiện công nghệ “KM-CDR Process” đã được triển khai thành công tại nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Malaysia, Nhật Bản…
Đỗ Quyên
Nguồn Đất Việt