Thừa muối ăn, thiếu muối công nghiệp

QUẢNG CÁO

muoi_cong_nghiep(H2N2)-Dư luận đang xôn xao về việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 45/2010/TT-BCT cho phép năm 2011 các doanh nghiệp được nhập khẩu 100.000 tấn muối công nghiệp và 2.000 tấn muối tinh khiết dùng trong y tế. Trong khi ngành nông nghiệp lại đang tồn đọng 234.767 tấn muối ăn.

Vậy thực chất câu chuyện thừa – thiếu này ra sao? Chiều 13/7, Bộ Công Thương đã tổ chức một cuộc họp bàn giữa các bên để tìm tiếng nói chung cho vấn đề này.

Bộ NN&PTNT nói thừa, doanh nghiệp kêu thiếu

Để đáp ứng nhu cầu muối cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 45/2010/TT-BCT quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối 2011 với số lượng: 100.000 tấn muối công nghiệp và 2.000 tấn muối tinh khiết dùng trong y tế. Hạn ngạch này được phân làm 2 đợt: đầu năm 2011 nhập khoảng 50.000 tấn muối công nghiệp và đã phân cho 03 đơn vị sản xuất xút-clo, 50% số lượng còn lại sẽ nhập vào cuối quý I/2011.

Tuy nhiên, ngày 14/6/2011, Bộ NN&PTNT gửi công văn số 1635/BNN-CB đề nghị Bộ Công Thương chưa phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại (50.000 tấn) cho doanh nghiệp. Lý do là năm 2011, nhu cầu muối của cả nước vào khoảng 1,35 triệu tấn trong khi nguồn cung muối năm 2011 lên tới 1,462 triệu tấn, vượt cầu 112.000 tấn. Hiện nay, lượng muối tồn dư cả nước còn khoảng 234.767 tấn. Để giảm bớt những khó khăn cho diêm dân, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng muối sản xuất trong nước. Vì vậy, nay đã sang quý III mà các doanh nghiệp sản xuất hóa chất vẫn chưa được cấp tiếp hạn ngạch nhập khẩu đợt 2. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải dừng dây chuyền vì thiếu muối sản xuất.

Ông Lê Văn Hùng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất Cơ bản Miền Nam – cho biết: Với công suất 30.000 tấn xút – clo/năm, mỗi năm công ty của ông cần khoảng 70.000 tấn muối công nghiệp để sản xuất. Năm ngoái, công ty được cấp hạn ngạch xấp xỉ 60.000 tấn muối, còn 10.000 tấn phải tự mua thêm mới đủ cho sản xuất. Năm 2011 này, công ty mới được cấp hạn ngạch 22.500 tấn muối. Vì vậy, công ty đã ngừng kế hoạch nâng cấp dây chuyền từ 30.000 tấn xút-clo/năm của hiện tại lên 50.000 tấn/năm. Nếu việc cấp hạn ngạch để nhập muối bị dừng lại thì có khả năng công ty sẽ phải dừng dây chuyền sản xuất. Cùng chung hoàn cảnh, ông Đào Quang Tuyến – Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì cũng cho biết: năm 2011, Công ty Hóa chất Việt Trì cần 22.000 tấn muối công nghiệp thì được cấp hạn ngạch là 7.500 tấn, chỉ đủ 1/3 cho nhu cầu.

Vấn đề đặt ra là, tại sao Bộ NN&PTNT nói thừa, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất lại kêu thiếu muối và vẫn phải nhập khẩu? Theo ông Lưu Hoàng Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất  (Bộ Công Thương), yêu cầu chất lượng của muối dùng trong công nghiệp và y tế rất khắt khe. Thực tế, muối chất lượng cao cũng được hình thành trên cơ sở muối nông nghiệp nhưng được chế biến theo quy mô công nghiệp để cho ra sản phẩm muối ít tạp chất và độ khô đảm bảo yêu cầu. Trong khi ở Việt Nam, khí hậu mưa gió thất thường, nghề muối lại chủ yếu sản xuất thủ công nên sản lượng muối không ổn định, hạt muối làm ra thường lẫn nhiều tạp chất và không đạt được độ khô cần thiết. Vì vậy, nhiều năm nay vẫn tồn tại tình trạng muối ăn thì thừa nhưng muối chất lượng cao cho sản xuất hóa chất lại thiếu. Chính vì thế, Bộ Công Thương vẫn phải cấp hạn ngạch thuế quan cho doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu muối chất lượng cao.

Ông Lê Văn Hùng bức xúc: Từ tháng 10/2010, công ty đã gửi rất nhiều công văn đến các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp muối trong nước như Công ty liên doanh Muối Đầm Vua, Công ty CP Muối Vĩnh Hảo, Công ty CP Muối Ninh Thuận đề nghị được mua hàng. Tuy nhiên, công ty đều không nhận được hồi âm. Duy nhất chỉ có hồi âm của Công ty CP Muối Ninh Thuận là “không có muối!”. Điều này khiến các doanh nghiệp đặt câu hỏi: Liệu thực sự có số muối tồn kho 234.767 tấn hay không? Nếu có thì nằm ở đâu, tại sao các doanh nghiệp đều không thể mua được muối ở trong nước? Hoặc, lượng muối này không đủ chất lượng cho sản xuất hóa chất nên các công ty không trả lời.

Tuy nhiên, câu hỏi này cũng chưa được giải quyết thỏa đáng bởi tại cuộc họp nói trên không có một đại diện nào của các doanh nghiệp này tham dự, mặc dù Ban tổ chức đã gửi giấy mời và liên lạc nhiều lần.

Tìm giải pháp cho muối công nghiệp

Nhu cầu về xút-clo trong nước rất lớn (khoảng 200.000 tấn/năm), trong khi tổng lượng xút-clo sản xuất được mới đạt 130.000 tấn/năm, thiếu hụt 70.000 tấn/năm. Tới đây, nếu dự án bô xít Tân Rai đi vào hoạt động, cần thêm 60.000 tấn xút/năm thì thiếu hụt còn lớn hơn nhiều. Hiện một tấn xút – clo sản xuất trong nước có giá khoảng 100-110USD/tấn, trong khi giá nhập khẩu gấp 5 lần (550 USD). Các công ty sản xuất xút được nhập muối theo hạn ngạch sẽ chỉ phải chịu thuế 15%, trong khi nếu nhập tiểu ngạch sẽ chịu mức thuế 50%. Đây là mức thuế quá cao và nếu nhập theo giá này, công ty sẽ bị lỗ.

Theo Tiến sĩ Phùng Hà – Cục trưởng Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, sản xuất muối trong nước chủ yếu là thủ công nên sản lượng, chất lượng muối cho sản xuất công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thưa ông, thế nào là muối công nghiệp và được dùng trong những ngành công nghiệp nào?

– Trong công nghiệp, muối được sử dụng chủ yếu cho ngành hóa chất làm nguyên liệu để sản xuất xút-clo, sô đa, một số hóa chất có gốc Na+. Các công ty: Công ty Hóa chất Cơ bản miền Nam, Công ty CP Hóa chất Việt Trì, xưởng xút của Công ty CP Giấy Bãi Bằng, Công ty CP Giấy Đồng Nai và Công ty Vedan Việt Nam sử dụng muối công nghiệp để sản xuất xút-clo. Tổng nhu cầu muối công nghiệp mỗi năm khoảng từ 200.000 – 250.000 tấn.

Hiện nay, các DN trên chuyển sang công nghệ điện phân màng trao đổi ion, đòi hỏi muối công nghiệp phải có chất lượng cao, tạp chất trong muối phải rất thấp. Cụ thể, chất lượng muối công nghiệp cho sản xuất NaOH theo công nghệ điện phân màng trao đổi ion như sau: Hàm lượng NaCl trên 98%, hàm lượng ion Ca++ dưới 0,05%, hàm lượng Mg++ dưới 0,04%, hàm lượng SO4- dưới 0,2%, độ ẩm dưới 3,5%.

Tình hình cung cấp muối công nghiệp phục vụ sản xuất xút – clo những năm gần ra sao?

– Từ năm 2005 đến 2008, mỗi năm sử dụng từ 180.000 đến 250.000 tấn, trong đó mua trong nước từ 50.000 đến 60.000 tấn- bằng 23% đến 25% tổng sử dụng. Năm 2010, nhu cầu muối công nghiệp cho sản xuất xút-clo của các DN là 240.000 tấn, nhưng chỉ mua được trong nước khoảng 30.000 tấn, nhập khẩu 210.000 tấn (chủ yếu để sản xuất xút-clo và một lượng nhỏ dùng trong y tế).

Hiện nay, nhu cầu về xút-clo trong nước rất lớn (khoảng 200.000 tấn/năm), trong khi tổng lượng xút-clo sản xuất được mới đạt 130.000 tấn/năm, thiếu hụt 70.000 tấn/năm. Tới đây, nếu dự án bô xít đi vào hoạt động, cần thêm 60.000 tấn xút – clo/năm thì lượng thiếu hụt còn lớn hơn.

Tại sao không sử dụng lượng muối tồn dư trong nước để sản xuất xút-clo?

– Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến muối công nghiệp để sản xuất hóa chất và muối tinh khiết phục vụ y tế có chứa ít tạp chất (Ca2+, Mg2+, SO4-2), có độ ẩm thấp và hàm lượng NaCl cao – là hai loại muối Bộ Công Thương cấp hạn ngạch thuế quan.

Hiện nay, muối sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu này, vì không đạt các chỉ tiêu được coi là tiêu chuẩn về muối công nghiệp cho sản xuất xút – clo như: hàm lượng NaCl, hàm lượng cặn không tan trong muối, hàm lượng ion canxi (Ca), hàm lượng Magie (Mg), hàm lượng ion sunphat (SO4), hàm lượng về độ khô. Tất cả những hàm lượng trên, nếu không đạt sẽ gây ảnh hưởng đến thiết bị và máy móc.

Là nước nông nghiệp, diện tích sản xuất muối lớn. Việc xây dụng nhà máy sản xuất muối công nghiệp hoàn toàn có thể?

– Tôi được biết, Bộ NN&PTNT đang có chủ trương xây dựng một số nhà máy hóa chất sử dụng nguyên liệu muối công nghiệp và nước ót để sản xuất công đoạn sau muối. Bộ NN&PTNT chủ trương khuyến khích, vận động diêm dân tự nguyện góp ruộng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc liên doanh, liên kết, nhằm chuyển đổi từ sản xuất muối thủ công sang sản xuất muối công nghiệp.

Tuy nhiên, kinh phí xây dựng nhà máy sản xuất muối công nghiệp còn phụ thuộc vào công nghệ công suất của nhà máy và nhiều vấn đề liên quan khác… Do đó, dự án phải có tính toán cụ thể.

Ông Phùng Hà – Cục trưởng Cục Hóa chất – nhận định, mặc dù muối không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu, nhưng để đảm bảo quyền lợi chung, thời gian qua Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã phối hợp điều hành tốt cơ chế nhập khẩu muối. Mục tiêu là vừa đảm bảo quyền lợi của diêm dân, vừa đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp cần sử dụng muối công nghiệp. Song, làm thế nào để hạn chế nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung là việc không dễ giải quyết! Ông Phùng Hà cho rằng, trước hết các doanh nghiệp sản xuất muối cần đầu tư công nghệ sản xuất chất lượng cao, cung cấp đủ nhu cầu sản xuất trong nước. Đây là điều mà các doanh nghiệp sản xuất hóa chất cũng rất mong mỏi.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ dự án muối kali tại Lào, làm sao vừa có muối kali cho nông nghiệp, vừa có muối natri cholorua cho sản xuất hóa chất. Bộ Công Thương khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư sản xuất muối công nghiệp tại Việt Nam. Nếu câu chuyện nhập muối được giải quyết thì không chỉ tiện lợi cho doanh nghiệp mà còn góp phần kiếm chế nhập siêu.

Hoahocngaynay.com

Nguồn Báo Công Thương

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *