Được biết tới là một trong những thành phần chính của dầu cám gạo, gamma oryzanol là hoạt chất có những tác dụng dược lý nổi bật. Vậy gamma-oryzanol là gì? Có tác dụng như thế nào? Sự tương tác giữa gamma oryzanol với các chất khác như thế nào? Tất cả sẽ được bật mí ngay trong bài viết dưới đây.
1. Gamma oryzanol là gì?
Gamma-oryzanol, một phytosterol có nguồn gốc từ dầu cám gạo, bao gồm một hỗn hợp các sterol thực vật được ester hóa với phenol, axit ferulic. Phytosterol đóng một số vai trò quan trọng trong thực vật, bao gồm cả sự tăng trưởng, phát triển đối với tính lưu động của màng và là chất chống oxy hóa.
Gamma-oryzanol lần đầu tiên được phân lập từ dầu cám gạo bởi Kaneko và Tsuchiya (người nghiên cứu Nhật Bản) vào đầu những năm 1950 và đã được sử dụng tại Nhật để điều trị chứng lo âu, các triệu chứng mãn kinh, loét dạ dày, tăng lipid máu.
Gamma- oryzanol được tìm thấy với số lượng nhiều nhất trong dầu cám gạo, hàm lượng gamma- oryzanol có trong dầu cám gạo là khoảng 1% hay 10mg/gam. Ngoài ra hoạt chất này cũng được tìm thấy trong ngô, lúa mạch, các loại dầu thực vật, lúa mạch đen và cám lúa mì.
Gamma-oryzanol không phải là một chất, mà là hỗn hợp các este của acid ferulic với 10 triterpene alcohols: delta7-stigmastenyl ferulate, stigmasteryl ferulate, cycloartenyl ferulate, 24 -methylenecycloartenyl ferulate, delta7-campestenylferulate, campesteryl ferulate, delta7-sitostenyl ferulate, sitosteryl ferulate, compestanyl ferulate and sitostanyl ferulate.
Cycloartenyl ferulate, 24-methylenecycloartanyl ferulate và campesteryl ferulate là ba thành phần chính của gamma-oryzanol. Cấu trúc cơ bản của các gamma-oryzanol là acid ferulic được ester hóa thành cyclopentanoperihydrophenanthrene.
Cấu trúc hỗn hợp gamma oryzanol
2. Tác dụng dược lý Gamma-oryzanol
Dưới đây là một số tác dụng dược lý của hoạt chất gamma oryzanol, mời các bạn cùng tìm hiểu nhé:
2.1. Chống viêm
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gamma-oryzanol có hoạt tính chống viêm. Trong một nghiên cứu, gamma-oryzanol đã được chứng minh là có tác dụng ức chế hoạt động của yếu tố phiên mã tiền viêm NF – kappaB trong các đại thực bào.
Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh tác dụng chống viêm của gamma-oryzanol trong bệnh viêm đại tràng ở chuột thực nghiệm do dextran sulfate sodium (DSS) gây ra. Những con chuột này có một số triệu chứng viêm loét đại tràng ở người như: tiêu chảy, đại tiện ra máu, sụt cân, niêm mạc đại tràng bị loét, chiều dài của đại tràng bị rút ngắn.
Và kết quả là gamma-oryzanol ức chế đáng kể viêm đại tràng ở chuột, cải thiện trọng lượng cơ thể và giảm chảy máu đường ruột.
Theo các nhà nghiên cứu thì gamma-oryzanol đã ức chế đáng kể việc sản xuất các cytokine: TNF-alpha, interleukin 1-beta (IL-1 beta), interleukin-6 (IL-6). Ngoài ra, gamma-oryzanol còn làm giảm sự tác động của enzyme COX-2 trong viêm đại tràng.
Một trong những yếu tố phiên mã chính liên quan đến điều hòa gen tiền viêm là NF-kappaB và người ta cho rằng đây là mục tiêu chính của tác dụng chống viêm của gamma-oryzanol và tác dụng chống viêm đối với viêm đại tràng DSS có thể thông qua trung gian bằng cách ức chế NF-kappaB.
Từ kết quả nghiên cứu trên có thể thấy rằng gamma-oryzanol dường như có hoạt động chống viêm trong mô hình viêm đại tràng động vật. Tuy nhiên, cơ chế tác dụng vẫn chưa thực sự rõ ràng.
2.2. Chống oxy hóa
Gamma-oryzanol đã được chứng minh là có nhiều hoạt động chống oxy hóa, bao gồm dọn sạch các gốc hydroxyl, gốc anion superoxide và gốc DPPH (2,2-diphenyl-I-picrylhydrazyl, một gốc ổn định). Ngoài ra, nó cũng ức chế quá trình peroxy hóa lipid do hợp chất azo AMVN (2,2′-azobis [2,4 dimethylvaleronitrile]).
Và người ta cũng cho rằng hoạt động chống oxy hóa của gamma-oryzanol có thể chủ yếu là do chất chuyển hóa của nó là axit phenolic ferulic. Axit phenolic ferulic có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, do tính chất hóa học của nhóm hydroxyl phenolic.
Ngoài ra, axit ferulic đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự biểu hiện hoặc hoạt động của các enzyme gây độc tế bào, bao gồm nitric oxide synthase (iNOS), caspase và cyclooxygenase-2 (COX-2).
Tuy nhiên, tác dụng chống oxy hóa của Gamma-oryzanol vẫn cần được nghiên cứu thêm.
2.3. Hạ mỡ máu
Một số nghiên cứu trên động vật qua nhiều năm đã phát hiện ra rằng gamma-oryzanol có thể làm giảm tổng lượng cholesterol và LDL-cholesterol. Một vài nghiên cứu của con người cũng cho thấy điều đó.
Cơ chế hoạt động giảm cholesterol máu của gamma-oryzanol hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Gamma-oryzanol dường như ức chế sự hấp thu cholesterol trong chế độ ăn uống và đồng thời cũng ức sự tái hấp thu của cholesterol nội sinh từ đường tiêu hóa.
Chính nhờ tác dụng hạ cholesterol máu, chống oxy hóa như vậy mà gamma-oryzanol có thể giúp cơ thể người phòng xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, kết quả một số nghiên cứu đã cho thấy rằng sử dụng dầu cám gạo có chứa gamma-oryzanol trong bốn tuần có tác dụng làm giảm tổng lượng cholesterol trong huyết tương khoảng 6.3%, giảm lượng LDL xuống khoảng 10.5%, và giảm tỷ lệ LDL/HDL xuống khoảng 18.9%.
Bạn có thể sử dụng gamma-oryzanol được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén với liều dao động 30 – 300 mg/ngày.
2.4. Tác dụng trên hệ thần kinh và triệu chứng mãn kinh
Có một số nghiên cứu lâm sàng báo cáo rằng gamma-oryzanol rất hữu ích trong điều trị làm giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, mất ngủ, đổ mồ hôi về đêm. Trong khi đó, Sasaki và các cộng sự cũng báo cáo rằng gamma-oryzanol có thể cải thiện tình trạng chấn thương ở vùng não bộ sau tai nạn.
Hơn thế nữa, sự kết hợp của gamma-oryzanol và các sterol thực vật đã được sử dụng trong điều trị chứng mất trí nhớ do tuổi già, xơ cứng động mạch và tiểu não. Cơ chế tác dụng của-oryzanol được cho là có liên quan đến chuyển hóa catecholamine ở vùng dưới đồi.
3. Tác dụng phụ của Gamma-oryzanol
Tác dụng phụ của gamma-oryzanol là rất hiếm gặp và chủ yếu các tác dụng này ảnh hưởng xấu tới trên dạ dày.
4. Tương tác giữa Gamma-oryzanol với các chất
Một số hoạt chất có thể tương tác với gamma-oryzanol như: Ezetimibe có thể ức chế sự quá trình hấp thu gamma-oryzanol ở ruột non.
Bên cạnh đó, gamma-oryzanol được phát hiện là không có tác dụng ức chế đối với các hoạt động của cytochrom P450 trong các microsome gan ở người. Điều này cho thấy rằng gamma-oryzanol sẽ không gây ra tương tác đáng kể về mặt lâm sàng với các thuốc chuyển hóa cytochrom P450.
Không những vậy, sử dụng kết hợp các acid không bão hòa đa chuỗi dài DHA (acid docosahexaenoic), EPA (acid eicosapentaenoic) cùng với gamma oryzanol có thể tạo ra tác dụng hiệp đồng trong việc hạ lipid máu.
Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hoạt chất có nhiều tác dụng tuyệt vời như gamma oryzanol.
Hoahocngaynay.com
Nguồn: Riff.vn