(H2N2)-Môi trường gia đình và tình cảm thời thơ ấu chính là chìa khóa tạo nên một đứa trẻ thông minh, chứ không phải axit docosahexaenoic (DHA) trong sữa mẹ hay sữa công thức, các nhà khoa học ĐH Southampton (Anh) chỉ rõ.
>> Mất cân bằng Omega-6 và Omega-3 gây béo phì
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 241 trẻ từ lúc chào đời cho đến khi 4 tuổi là con của các bà mẹ tham gia vào cuộc khảo sát Phụ nữ của trường ĐH Y khoa, dự án nghiên cứu sức khỏe và lối sống của phụ nữ lớn nhất nước Anh. Trong đó có 130 trẻ bú mẹ (53,9%), 65 trẻ dùng sữa công thức bổ sung DHA (27%) và 46 trẻ dùng sữa công thức không bổ sung DHA (19,1%).
Sau khi so sánh các yếu tố như sự khuyến khích hiểu biết, những cảm xúc trong gia đình, sự trở lại công việc của người mẹ trước sinh nhật đầu tiên của trẻ… các nhà nghiên cứu nhận thấy sự khác nhau về chỉ số IQ giữa trẻ bú mẹ và dùng sữa công thức không có DHA trở nên rất yếu. Nhìn chung, việc bổ sung DHA đối với trẻ trong 6 tháng đầu đời không liên quan với chỉ số IQ hay bất kỳ chỉ số nào ở các test khác.
Như vậy, sự khác nhau trong trí thông minh của trẻ không do các loại sữa trẻ ăn, yếu tố gia đình và tinh thần đóng vai trò quan trọng hơn hẳn các loại axit béo mà trẻ được nhận từ sữa.
Axit béo ômêga-3, đặc biệt là DHA, tập trung nhiều ở não và tích lũy trong quá trình não phát triển mạnh nhất là ở 3 tháng cuối thai kỳ và trong năm đầu đời. |
BS Catharine Gale, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này đã xóa tan những huyền thoại xung quanh DHA. Chúng ta đều biết những lợi ích sức khỏe rất rõ rệt khi bú mẹ nhưng DHA, một chất hiện diện tự nhiên trong sữa mẹ hay được bổ sung vào sữa công thức, không phải là thành phần bí mật giúp bé của bạn trở thành Einstein”.
“Chỉ số IQ của trẻ không hề liên quan với mức độ DHA mà trẻ nhận được. Các yếu tố gia đình như sự thông minh của mẹ và chất lượng đời sống tinh thần mà trẻ được nhận mới là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ”, BS Gale khẳng định.
Mặc dù nghiên cứu này cho thấy chỉ số IQ của trẻ không ảnh hưởng bởi DHA nhưng nó không phủ nhận kết quả của các nghiên cứu trước đó đạt được: đó là thiếu DHA trong giai đoạn não phát triển nhanh có thể dẫn tới những vấn đề đối với sự phát triển của não bộ.
Nhân Hà
Nguồn Dân trí/ADC