Ứng phó sự cố tràn dầu và giám sát bờ biển của Việt Nam

QUẢNG CÁO

tran_dauĐiểm qua một vài con số

Việt Nam là quốc gia ven biển, với chiều dài bờ biển là 3.260km. Tính đến nay, đội tàu biển Việt Nam có tổng số 1.614 tàu với 4.497.157 GT và 7.348.206 DWT thuộc sở hữu của khoảng 240 doanh nghiệp. Hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 49 cảng, trên 130 cầu bến với tổng chiều dài cầu cảng gần 40km. Trong năm 2010, có khoảng 119.744 lượt tàu ra vào các cảng biển VN với tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống ước chừng 259 triệu tấn. Theo Cục ĐKVN, cả nước hiện có 160 cơ sở đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó có 120 nhà máy đóng, sửa chữa tàu trọng tải ≥ 1.000 DWT với 170 công trình nâng hạ thủy. Hầu hết trong số này có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu… rất khó nâng cao năng lực trong hoàn cảnh hiện tại. Tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường tại các cơ sở này không bảo đảm, trong khi công ước quốc tế về hàng hải đòi hỏi ngày càng cao và nghiêm ngặt. Tốc độ tăng bình quân của vận tải biển VN gần 20%/năm, trong đó khối lượng vận tải chở thuê đạt khoảng 35% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Việt Nam nằm trên tuyến đường giao thông chính từ Trung Đông đến các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại khu vực Đông Nam Á diễn ra nhiều hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí; Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, kéo theo nhu cầu về dầu mỏ cũng tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố tràn dầu (SCTD).

Thực trạng SCTD và hệ thống giám sát bờ biển

Ứng phó SCTD

Các tổ chức liên quan trong việc ứng phó SCTD bao gồm: Ủy ban quốc gia TKCN; Bộ Tài nguyên&Môi trường; Cục Hàng hải Việt Nam (25 Cảng vụ hàng hải…); UBND các tỉnh ven biển; 03 Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; các doanh nghiệp khai thác dầu khí và các công ty ứng phó SCTD.

Nguồn lực và trang thiết bị phục vụ ứng phó SCTD

Hiện Việt Nam đã thành lập được 4 trung tâm ứng phó SCTD khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và tại Vân Phong. Một số cơ sở có dịch vụ ứng phó SCTD như: Vietsovpetro, cảng PTSC, cảng Hải Phòng, Công ty TNHH Đại Minh…

Hiện nay, Việt Nam có 05 tàu đa năng ứng phó SCTD và một số phao quay, bồn chứa, máy hút, chất phân tán, chất hấp thụ và các thiết bị phụ trợ như bơm chuyển dầu.

Kế hoạch ứng cứu SCTD của Việt Nam

Mục tiêu của Kế hoạch

Sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả mọi trường hợp xảy ra SCTD để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại đối với môi trường, ảnh hưởng đến các ngành kinh tế và đời sống của người dân.

Hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm nòng cốt cho hoạt động ứng phó SCTD.

Phạm vi thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó SCTD

Kế hoạch quốc gia ứng phó SCTD được thực hiện trên toàn vùng đất liền, các hải đảo và vùng biển (vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam).

Ứng phó SCTD được tiến hành trong mọi trường hợp tràn dầu với bất kể nguyên nhân nào mà mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài gây ra.

Khu vực ứng phó SCTD

– Khu vực miền Bắc

– Khu vực miền Trung

– Khu vực miền Nam

Phân loại mức độ SCTD

Mức độ ứng phó SCTD được phân theo ba mức, từ mức độ I đến mức độ III, dựa trên cơ sở khối lượng dầu tràn ra môi trường (Mức I: dưới 100 tấn; mức II: 100 – 2.000 tấn; mức III: trên 2.000 tấn).

Việc ứng phó SCTD được tiến hành ở 3 cấp: Cấp cơ sở, cấp khu vực và cấp quốc gia.

Trang thiết bị ứng phó SCTD

Các cơ sở

Các cơ sở tự trang bị phương tiện, trang thiết bị bảo đảm ứng phó SCTD ở mức có thể xảy ra ở cơ sở mình theo quy định của Kế hoạch này.

Các Trung tâm khu vực có các loại trang thiết bị, phương tiện, vật tư chủ yếu như:

– Các trang thiết bị kỹ thuật, thông tin liên lạc để điều hành hoạt động của Trung tâm.

– Đội tàu chuyên dùng, xuồng máy tốc độ cao, các loại phao, chất phân tán và các phương tiện, trang thiết bị chứa dầu, bơm…

– Trang thiết bị, quần áo bảo hộ cho người tham gia ứng phó.

Tại các cơ quan chỉ đạo, điều hành

Tại Ủy ban quốc gia TKCN, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường và các cơ quan khác có liên quan được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, các trang thiết bị khác phù hợp với trách nhiệm được giao.

Hiện trạng hệ thống giám sát bờ biển

Hiện tại, Việt Nam có 01 trạm VTS tại khu vực Hải Phòng và đang nâng cấp hệ thống VTS luồng Sài Gòn–Vũng Tàu, có nhiệm vụ giám sát vùng bờ biển tại 02 khu vực trên. Cũng đang nghiên cứu để xây dựng hệ thống VTS nhằm giám sát hoạt động hàng hải tại một số khu vực có mật độ tàu thuyền cao.

Đang thiết lập hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa (LRIT) nhằm tăng cường theo dõi các hoạt động của tàu thuyền tại khu vực bờ biển Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng việc theo dõi tàu qua tín hiệu AIS bằng vệ tinh nhỏ, giúp cho việc phát hiện xả dầu, đánh bắt cá bất hợp pháp và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.

Kế hoạch phát triển

Việt Nam đang phấn đấu hoàn thành các hệ thống LRIT, trong đó xây dựng Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trong năm 2012. Xây dựng hệ thống VTS tổng thể tại nước ta, trong đó tích hợp các trung tâm VTS tại những khu vực có mật độ tàu thuyền ra vào lớn. Sớm áp dụng việc theo dõi tàu qua vệ tinh đối với tín hiệu AIS từ tàu. Song song là cập nhật, bổ sung hoàn thiện Kế hoạch ứng phó SCTD trong thời gian tới.

Vấn đề kỹ thuật phục hồi sau SCTD tại Việt Nam còn kém, do vậy cần xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể về công việc này. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhằm nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ của các trung tâm thông qua các buổi hội thảo, các khóa đào tạo… Tăng cường trao đổi thông tin kỹ thuật, kinh nghiệm và thực hành với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực ứng phó SCTD nhằm tìm kiếm hỗ trợ tài chính của các cơ quan, tổ chức quốc tế trong việc nâng cấp trang thiết bị, phương tiện ứng phó SCTD và nâng cao trình độ chuyên môn.

ThS. VŨ TUẤN HÙNG

Phó Trưởng phòng KHCN-MT, Cục HHVN

Nguồn Vinamarin

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *