Xử lý chất thải tấm quang điện trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam

QUẢNG CÁO

Đến cuối năm 2020, tổng công suất tấm PV tích lũy lắp đặt trên toàn thế giới là 760,4 GW, trong đó, Việt Nam là một trong 10 nước có công suất lắp đặt điện mặt trời nhiều nhất trong năm 2020. Dự báo đến năm 2050, sẽ có 4.500 GW điện mặt trời được lắp đặt trên toàn cầu. Như vậy, phế thải từ các tấm PV hết hạn sẽ là một vấn đề môi trường rất lớn trong những thập niên tới trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bài viết dưới đây đưa ra dự báo tốc độ phát triển tấm quang điện mặt trời, cơ chế chính sách khuyến khích, bắt buộc tái chế, xử lý tấm phế thải PV trên thế giới, qua đó đề xuất chính sách tái chế, xử lý tấm phế thải PV tại Việt Nam.

Có nhầm lẫn chăng khi coi pin mặt trời hết hạn sử dụng là chất thải nguy hại?

Pin năng lượng mặt trời ‘hết hạn sử dụng’ và phương án giải quyết.

I.Tổng quan:

Ngành năng lượng trên thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch nhanh chóng, từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo (NLTT), nguồn năng lượng sạch và vô tận.

Phát triển NLTT là điều cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trong mấy năm vừa qua, việc phát triển các dạng NLTT (điện gió, mặt trời, sinh khối) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn NLTT ở nước ta, nhằm đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng. Tuy nhiên, việc phát triển nóng các dự án NLTT, đặc biệt là điện mặt trời (ĐMT) kể từ năm 2018 cũng sẽ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, nếu việc quản lý, thu gom, tái chế các tấm quang điện (PV) bị hỏng và thải bỏ sau khi hết hạn sử dụng… không được quan tâm đúng mức.

II. Dự báo tốc độ phát triển tấm quang điện mặt trời:

Năm 1839, khi tiến hành thực hiện nghiên cứu lớp phủ của các điện cực bạch kim bằng bạc clorua, nhà vật lý Edmond Becqurrel phát hiện ra sự tăng điện áp khi lớp phủ bạc này tiếp xúc với ánh sáng. Năm 1883, Charles Fritts đã nghiên cứu và sáng chế ra tế bào quang điện đầu tiên từ selenium và năm 1884, ông là người đầu tiên đã lắp đặt tấm quang điện mặt trời (PV) trên mái nhà tại New York, Mỹ. Tuy nhiên, phải mãi đến cuối thể kỷ 20, tấm PV mới được một số nước phát triển trên thế giới sử dụng.

Việc sản xuất và lắp đặt các tấm PV được phát triển mạnh từ đầu những năm 2000 (Tao & Yu, 2015). Đến cuối năm 2020, tổng công suất tấm PV tích lũy lắp đặt trên toàn thế giới là 760,4 GW, trong đó có 20 quốc gia có công suất lắp đặt tấm PV vượt quá 1 GW, gồm Trung Quốc (48,2 GW), Liên minh châu Âu (19,6 GW), Hoa Kỳ (19,2 GW), Việt Nam (11,1 GW) – IEA PVPS, 2020. Như vậy, Việt Nam là một trong 10 nước có công suất lắp đặt điện mặt trời nhiều nhất trong năm 2020. Dự báo đến năm 2050, sẽ có 4.500 GW ĐMT được lắp đặt trên toàn cầu.

Xử lý chất thải tấm quang điện trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam

Hình 1. Công suất tấm quang điện tích lũy được lắp đặt trên toàn cầu từ 2000 – 2050.

Khi công suất lắp đặt các dự án ĐMT tăng, đồng nghĩa với việc số lượng các tấm PV được lắp đặt và lượng chất thải từ các tấm PV này cũng tăng theo. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA, 2016): Lượng chất thải tính lũy từ các tấm PV toàn cầu đã đạt 43.500 – 250.000 tấn trong năm 2016, chiếm khoảng 0,1% – 0,6% số lượng các tấm PV đã lắp đặt. Tấm PV có tuổi thọ trung bình 25 năm (Tao & Yu, 2015). Như vậy, lượng chất thải từ các tấm PV thải bỏ này sẽ là rất lớn, ước tính từ 60 – 78 triệu tấn vào năm 2050 (xem Hình 2).

Xử lý chất thải tấm quang điện trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam

Hình 2. Lượng chất thải từ các tấm quang điện trên toàn cầu 2016 – 2050.

Tại Việt Nam, theo báo cáo tổng kết vận hành hệ thống điện quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, có 152 dự án ĐMT mặt đất đi vào hoạt động với tổng công suất là 9.071,2 MW (chiếm 14,2% tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống). Bên cạnh đó, công suất lắp đặt các dự án ĐMT mái nhà cũng tăng lên đáng kể từ năm 2018 đến năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, công suất ĐMT mái nhà được lắp đặt đạt 9.189, 95 MW năm 2020 (xem Bảng 1).

Bảng 1. Công suất đặt điện mặt trời của Việt Nam từ 2018 – 2020:

Năm

Công suất ĐMT mặt đất (MWp)

Công suất ĐMT mái nhà (MWp)

Tổng công suất

(MWp)

2018

86

17,5

103,5

2019

4.993,2

377,95

5.371,15

2020

3.992

9.180,95

13.172,95

Tổng cộng

9.071,2

9.576,4

18.647,6

Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại tấm PV với công suất khác nhau (trung bình một tấm PV dao động từ 300 – 450 W). Một hệ thống ĐMT mái nhà có công suất 1 MWp ước tính cần khoảng 2.222 – 3.334 tấm. Với công suất ĐMT ở Việt Nam đến cuối năm 2020 là 18.647,6 MWp thì cả nước đã sử dụng 41 – 63 triệu tấm PV. Như vậy, đến năm 2045, sẽ có ít nhất khoảng 1 – 1,5 triệu tấn tấm phế thải PV hết hạn sử dụng thải bỏ vào môi trường. Đó là chưa tính đến lượng tấm PV bị thải bỏ do hỏng (ước tính khoảng 3%) trong quá trình xây dựng và vận hành.

Tấm PV có công nghệ tinh thể Silicon (c-Si) (xem Hình 3) được tiêu thụ phổ biến nhất, chiếm từ 85% đến trên 90% tổng công suất lắp đặt (Lunardi và cs, 2018; IRENA, 2016; ITRPV, 2017) và gần 100% ở Việt Nam.

Xử lý chất thải tấm quang điện trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam

Hình 3. Cấu trúc của tấm quang năng [1] và các dạng tế bào quang điện: (a) loại silic đa tinh thể (polycrystalline); (b) loại silic đơn tinh thể (monocristalline); (c) loại màng mỏng (thin film).

Như vậy, phế thải từ các tấm PV hết hạn sẽ là một vấn đề môi trường rất lớn trong những thập niên tới trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, việc thu gom, tái chế các tấm PV phế thải còn mang lại lợi ích rất lớn về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và làm tăng hiệu quả kinh tế của công nghiệp PV, vì khoảng trên 90% vật liệu từ tấm PV phế thải có thể thu hồi và tái sử dụng (Faircloth và cs, 2019).

III. Cơ chế chính sách khuyến khích, bắt buộc tái chế, xử lý tấm phế thải PV:

Với hiện trạng, cũng như dự báo về lượng chất thải từ các tấm PV như trên, cần phải có các chính sách khuyến khích về tái chế, xử lý tấm phế thải PV phù hợp với từng quốc gia.

Tính đến nay, mới chỉ có Liên minh châu Âu (EU) thông qua các quy định riêng cho các tấm phế thải PV. Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới các tấm PV phế thải vẫn chỉ được xem như chất thải thông thường và chưa có các quy định cụ thể về xử lý và thải bỏ. Dưới đây là một số tổng hợp về chính sách quản lý, thu hồi, tái chế tấm phế thải PV của một số quốc gia trên thế giới.

1. Châu Âu:

Chất thải từ tấm PV trên thế giới chủ yếu được chôn lấp cho đến năm 2012, khi sáng kiến ​​WEEE (2012/19/EU) của châu Âu đã phân loại lại các tấm PV là chất thải điện và điện tử. Điều này đã ngăn chặn việc tiếp tục chôn lấp các tấm PV tại các nước châu Âu (Sáng kiến ​​WEEE châu Âu, 2012; Lunardi và cs, 2018) và thiết lập hoạt động tái chế phế thải PV (D’Adamo và cs, 2017), được áp dụng vào quản lý các tấm PV thải ở cả quy mô hộ gia đình và công nghiệp (Xu và cs, 2018; Mahmoudi và cs, 2019). Các nước thành viên châu Âu đã đưa các yêu cầu về phế thải PV vào luật pháp quốc gia, yêu cầu các nhà sản xuất PV trên thị trường EU phải vận hành hệ thống thu hồi và tái chế của riêng họ, hoặc tham gia vào khung quy định chung cho các nhà sản xuất (Komoto và Lee, 2018).

Ở châu Âu, xuất khẩu chất thải là hành động bị cấm. Ngoài khía cạnh kinh tế, cấm xuất khẩu chất thải còn có ý nghĩa về mặt môi trường và xã hội để tăng cường thúc đẩy các hoạt động tái chế. Hơn nữa, kể từ tháng 2 năm 2014, trong quá trình quản lý tấm PV, cách tiếp cận cuối vòng đời sản phẩm (EoL), từ việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý các tấm PV đã được quy định tại mọi quốc gia EU.

Tương tự với sáng kiến WEEE, một số sáng kiến khác cũng nhằm mục đích cải thiện các công nghệ tái chế cho phù hợp với các loại PV khác nhau, giảm chi phí tái chế và tăng nguồn doanh thu tiềm năng từ các nguyên liệu thô thứ cấp được thu hồi thông qua quá trình tái chế. Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu Ủy ban Tiêu chuẩn Kỹ thuật Điện châu Âu (CENELEC) phát triển các tiêu chuẩn xử lý tấm PV cụ thể cho các phần khác nhau của tấm PV, nhằm hỗ trợ tiếp cận tái chế có giá trị cao.

Một tiêu chuẩn bổ sung và đặc điểm kỹ thuật cho việc thu gom và xử lý tấm PV cũng đang trong quá trình phát triển của Nhóm công tác 6 của Ủy ban kỹ thuật 111X “Môi trường” của CENELEC (Komoto & Lee, 2018).

2. Mỹ:

Hiện tại Mỹ không có quy định liên bang nào liên quan đến việc thu gom và tái chế các tấm PV đã hết hạn sử dụng, mà chỉ áp dụng các quy định về chất thải thông thường (Komoto & Lee, 2018).

Vào tháng 7 năm 2017, bang Washington đã thông qua Dự luật 5939 của Thượng viện, trong đó sửa đổi các ưu đãi về thuế đối với hệ thống NLTT của bang và yêu cầu bổ sung chương trình thu hồi, tái chế đối với các tấm PV hết tuổi thọ. Dự Luật này yêu cầu các nhà sản xuất chuẩn bị kế hoạch quản lý sản phẩm, nhằm mô tả cách thức chính phủ sẽ tài trợ cho chương trình thu hồi và tái chế các tấm PV. Thay vì chuẩn bị kế hoạch quản lý, nhà sản xuất cũng có thể tham gia vào một chương trình quốc gia nếu kế hoạch của họ về cơ bản tương đương với chương trình của tiểu bang. Chương trình sẽ tài trợ cho hoạt động thu hồi, tái chế và hỗ trợ mua lại các tấm PV tại các địa điểm trong tiểu bang. Bộ Sinh thái bang Washington sẽ xây dựng hướng dẫn cho chương trình của tiểu bang, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất bán thiết bị năng lượng mặt trời ở tiểu bang sau ngày 1/7/2017 phải chịu trách nhiệm tài trợ và cung cấp hoạt động tái chế cho tấm PV của họ. Các nhà sản xuất không đáp ứng điều kiện này không thể bán tấm PV kể từ ngày 1/1/2021 tại tiểu bang.

3. Úc:

Chính phủ Bang Victoria (Úc) đã tiến hành đánh giá tác động của việc ban hành các quy trình, thủ tục đảm bảo đối phó với các vấn đề liên quan đến chất thải từ ĐMT (The Australian Government, 2017). Quyết định cấp chính phủ đã mở đường cho những nghiên cứu để giảm thiểu tác động đến môi trường trong cả vòng đời (EoL) của ĐMT (Lunardi và cs, 2018; The Australian Government 2017). Những nghiên cứu này là một phần hoạt động của Tổ chức công nghiệp – phát minh, với mục tiêu phi lợi nhuận, tập trung đánh giá các mối nguy hiểm từ cấu trúc, thành phần của các loại tấm PV và chất thải phát sinh. Các thành phần, cấu trúc của tấm PV được liệt kê trong Đạo luật quản lý sản phẩm quốc gia (the National Product Administration Act) và đây có thể được coi như một tín hiệu triển vọng cho một chương trình thương mại hóa về chất thải từ năng lượng mặt trời (Lunardi và cs, 2018; Perinotto, 2017).

4. Nhật:

Nhật Bản không có quy định cụ thể nào về các tấm PV hết tuổi thọ và chúng phải được xử lý dưới khung quy định chung về quản lý chất thải (Đạo luật Quản lý Chất thải và Làm sạch Công cộng) – Komoto và Lee, 2018. Đạo luật này xác định chất thải, đối tượng phát sinh và trách nhiệm xử lý, cũng như các khía cạnh quản lý chất thải công nghiệp, bao gồm cả việc thải bỏ tại bãi chôn lấp.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Môi trường cùng phối hợp đánh giá việc xử lý các thiết bị NLTT hết tuổi thọ. Chẳng hạn như tấm PV, bình nước nóng năng lượng mặt trời và tua bin gió…

Năm 2015, lộ trình thúc đẩy việc thu gom, tái chế và xử lý hợp lý đã được xây dựng, bao gồm thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, thiết kế thân thiện với môi trường, các hướng dẫn tháo dỡ thiết bị, vận chuyển, xử lý và công khai cho người sử dụng. Hướng dẫn này bao gồm các thông tin cơ bản như luật và quy định liên quan về ngừng hoạt động, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải công nghiệp.

Song song với việc ban hành các chính sách phù hợp, nhiều dự án nghiên cứu phát triển khác nhau được thực hiện. Mục tiêu của các dự án này là phát triển các tiếp cận mang tính thực tiễn để tái chế tấm PV. Điều này sẽ đạt được bằng cách thiết lập công nghệ tái chế chi phí thấp và nghiên cứu các phương pháp thu gom, phân loại và thải bỏ tối ưu.

5. Hàn Quốc:

Hàn Quốc không có quy định cụ thể nào liên quan đến quản lý các tấm PV hết tuổi thọ. Tuy nhiên, trong báo cáo “Các dự án hỗ trợ chính sách và thông tin năng lượng 2015” của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã đề xuất bổ sung quy định bắt buộc phải báo cáo việc thải bỏ tấm PV vào “Luật khuyến khích phát triển, sử dụng và phổ biến năng lượng mới và tái tạo” như giải pháp tăng cường hoạt động tái chế (Komoto & Lee, 2018).

Theo báo cáo này, việc bổ sung tấm PV thải vào các quy định hiện hành về NLTT sẽ hiệu quả hơn so với việc xây dựng các quy định mới cho tấm PV. Báo cáo cũng khuyến nghị rằng: Nên thành lập một tổ chức công để xử lý việc đăng ký và các thủ tục liên quan đến báo cáo việc thải bỏ tấm PV, bởi vì hiện tại không có tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc này.

Năm 2016, hai dự án về tái chế tấm PV được khởi động. Một là dự án trình diễn nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế tấm PV tại một cơ sở tái chế được lựa chọn, công suất 2 tấn/ngày. Mục tiêu của dự án là thu hồi các tấm đĩa bán dẫn c-Si chưa bị vỡ từ các tấm PV, hiệu suất đạt trên 70%, nhằm giảm lượng điện năng tiêu thụ cho quá trình sản xuất các tấm PV mới. Dự án thứ hai xây dựng trung tâm tái chế tấm PV ở Hàn Quốc và dự kiến sẽ mất 5 năm để đạt được 5 mục tiêu:

(i) Xây dựng trung tâm tái chế tấm PV loại c-Si và màng mỏng.

(ii) Thiết lập công nghệ, quy trình và cơ sở vật chất để tái chế các tấm PV (công suất 3.600 tấn/ năm).

(iii) Thiết lập hệ thống khai báo, thu gom và vận chuyển chất thải PV.

(iv) Hỗ trợ các thông báo của chính phủ về việc quản lý các tấm PV cuối vòng đời EoL.

(v) Lập kế hoạch kiểm tra hoạt động và tăng trưởng của trung tâm tái chế PV (Komoto & Lee, 2018).

6. Trung Quốc:

Chính phủ Trung Quốc hiện tại chưa thật sự quan tâm và chưa có các quy định chính sách, đề xuất cụ thể như sự cần thiết phải có luật và các quy định, mục tiêu, khung tài chính cần thiết thúc đẩy hoạt động tái chế và xử lý các tấm PV hết tuổi thọ. Tuy nhiên, các nghiên cứu phát triển công nghệ liên quan đã được khởi động. Chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao quốc gia cho nghiên cứu thải bỏ an toàn và tái chế PV trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đã đưa ra các đề xuất và chính sách nghiên cứu phát triển công nghệ (Zhang và cs, 2015). Các nghiên cứu tập trung vào việc phát triển, chứng minh các công nghệ, quy trình tái chế các tấm PV loại c-Si và loại màng mỏng đạt hiệu quả cao, chi phí thấp, tiêu tốn ít năng lượng. Ví dụ như Yingli Solar và Trina Solar hiện đang nghiên cứu, phát triển để tái chế các tấm PV (Chowdhury và cs, 2020).

7. Thái Lan:

Theo Faircloth và cs (2019): Thái Lan, chỉ riêng trong năm 2016, được xếp hạng thứ 7 trên thế giới về quốc gia có công suất lắp đặt tấm PV vượt trên 1 GW. Hiện nay, Thái Lan có khoảng 15 triệu tấm PV (2.600 MW) sẽ cần được xử lý để giảm thiểu gánh nặng môi trường trong những năm tới.

Dự báo đến 2030, Thái Lan sẽ thải bỏ trung bình hàng năm ít nhất khoảng 8.000 tấn PV. Kế hoạch hiện tại của Thái Lan là sẽ chôn lấp tất cả các tấm PV này. Nổi bật, nghiên cứu của Faircloth và cs là nghiên cứu đầu tiên về đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) [2] để đánh giá tác động đến môi trường của các phương pháp tái chế, xử lý LGRF [3] và FRELP [4]. LGRF đầy hứa hẹn vì nó có thể được thực hiện định kỳ theo từng đợt nhỏ và khi cần thiết. Một cơ sở LGRF điển hình đã bao gồm tất cả các thiết bị cần thiết để tái chế các tấm phế liệu PV, đòi hỏi đầu tư ít và/hoặc không phải đầu tư thêm.

Nhược điểm của LGRF là chỉ thu hồi được kính, khung nhôm, đồng từ cáp và các tấm PV mà chưa thể thu hồi được các dạng vật liệu bên trong tế bào PV. Trong khi đó, cơ sở FRELP cần đầu tư lớn hơn nhiều, như các dây chuyền tinh chế, thu hồi thủy tinh đạt tỷ lệ thu hồi rất cao (98%). Lớp tế bào PV sau khi được tách rời, sẽ được xử lý và các vật liệu cấu tạo bên trong cũng được thu hồi.

Theo đó, kịch bản chôn lấp đã được so sánh với hai kịch bản tái chế, xử lý LGRF và FRELP về khía cạnh môi trường, kinh tế từ các kinh nghiệm của quốc tế. Có 18 nhóm tác động đến môi trường khi thực hiện các hoạt động thu gom, tái chế, và chôn lấp các tấm PV thải bỏ của các cơ sở đã được tính đến, như:

(i) Tiềm năng biến đổi khí hậu.

(ii) Suy giảm/thủng tầng ôzôn.

(iii) Axit hóa trên mặt đất.

(iv) Phú dưỡng nguồn nước mặt.

(v) Phú dưỡng biển.

(vi) Nhiễm độc cho con người.

(vii) Quá trình oxy hóa quang hóa.

(viii) Quá trình hình thành hạt bụi.

(xi) Độc tính sinh thái trên cạn.

(x) Độc hại sinh thái nước ngọt.

(xi) Nhiễm độc sinh thái biển.

(xii) Bức xạ ion hóa.

(xiii) Mất đất nông nghiệp.

(xiv) Mất đất đô thị.

(xv) Biến đổi đất tự nhiên.

(xvi) Cạn kiệt nước.

(xvii) Khan hiếm kim loại và,

(xviii) Cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch.

Các kết quả cho thấy: Tái chế tấm PV c-Si giảm các gánh nặng về mặt môi trường so với kịch bản chôn lấp và có tiềm năng đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để đem lại lợi nhuận trong đầu tư, cần phải có lượng phế thải PV đủ lớn và giảm các chi phí đầu tư ban đầu.

Bảng 2. Thống kê thu hồi phế thải PV từ cơ sở LGRF & FRELP (Faircloth, 2019):

Khối lượng

kg

% tái chế

Hợp phần

kg

LGRF

FRELP

LGRF

FRELP

Kính cường lực

694

640

686

92

99

Đồng (bên trong, dây cáp)

6,4

2,6

4,4

41

69

Nhôm (khung, bên trong)

184

135

183

74

99

Silicon

36

0

35

0

96

Bạc

0,53

0

0,50

0

95

EVA (Lớp nhựa trong chịu nhiệt)

51

0

0

0

0

PVF (Lớp phủ polymer, lớp chống bụi, nước)

15

0

0

0

0

PVC (Cáp cách điện)

14

0

0

0

0

Thiếc/ Chì

0,5

0

0

0

0

Tổng

1.000

777,6

908,2

77,8

91

Như vậy, trong khi các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Nhật… và các nước đang phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… chưa ban hành các quy định pháp lý cụ thể nào liên quan đến quản lý các tấm PV hết tuổi thọ thì EU đã đi đầu trong công tác quản lý các tấm PV thải bỏ này và phân loại chúng là chất thải điện, điện tử kể từ khi thông qua Sáng kiến ​​WEEE châu Âu (2012). Điều này đã ngăn chặn việc tiếp tục chôn lấp các tấm PV tại các nước châu Âu và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển tái chế tấm PV thải theo LGRF & FRELP với cách tiếp cận LCA, nhằm tăng tỷ lệ thu hồi, tái chế và xử lý vật liệu, giảm tác động đến môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

IV. Đề xuất chính sách tái chế, xử lý tấm phế thải PV tại Việt Nam:

Việc các nhà đầu tư triển khai các dự án ĐMT, phát triển năng lượng sạch, NLTT và việc các nhà sản xuất, phân phối tiến hành thu hồi các tấm PV sau khi hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải là hoạt động được khuyến khích, phù hợp với chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) được quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Luật BVMT 2014.

Mặt khác, căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường 2014 có quy định các dự án quang điện có quy mô nhỏ dưới 50 ha (như các dự án ĐMT mái nhà…) không phải thực hiện các trình tự, thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cũng như kế hoạch BVMT. Tuy nhiên, các dự án quy mô loại này vẫn phải thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại (CTNH) tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý CTNH. Đồng thời việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý tấm phế thải PV khi hết hạn sử dụng vẫn phải được thực hiện theo các quy định nêu trên.

Các loại chất thải khác nhau, như chất thải điện, điện tử, đều có các quy định trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) [5] trong việc quản lý, tái chế, xử lý các loại chất thải này và được quy định trong Luật BVMT 2005, 2014 và gần đây là Luật BVMT 2020, tại Điều 54, 55. Ngoài ra, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, có cả Chương VII quy định trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, đề xuất đưa sản phẩm tấm PV vào danh mục sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế và xử lý.

Như vậy, trước mắt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom chất thải để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý các tấm PV thải bỏ và hết hạn sử dụng từ các nhà sản xuất, nhà phân phối theo quy định. Lâu dài, việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom, tái chế, xử lý, cũng như ban hành các cơ chế, chính sách cho các hoạt động quản lý, giám sát này trở nên ngày càng quan trọng và cấp thiết./.

Hoahocngaynay.com

LÊ THỊ THOA – CÁN BỘ CAO CẤP DỰ ÁN CIRTS/BEM, TỔ CHỨC HỢP TÁC PHÁT TRIỂN ĐỨC GIZ – VIỆT NAM

PHẠM NGUYỆT ÁNH – KHOA HÓA VÀ MÔI TRƯỜNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI

NGUYỄN THỊ XUÂN THẮNG – TRUNG TÂM TƯ VẤN, ĐÀO TẠO VÀ THÔNG TIN ĐIỆN LỰC VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, CỤC ĐIỆN LỰC VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO (BỘ CÔNG THƯƠNG)

Ghi chú:

[1] Trong đó: Lớp nhựa trong chịu nhiệt – nhựa EVA (Ethylene Vinyl Acetate Copolymer); Lớp phủ polymer, chống bụi, nước – sử dụng nhựa PVF (Polyvinyl fluoride).

[2] Đánh giá vòng đời sản phẩm (tên tiếng Anh: Life Cycle Assessment, LCA), theo ISO 14040 & ISO 14044 (ISO, 2006a, b).

[3] Tái chế tấm kính cường lực (thế hệ tái chế, xử lý thứ nhất) (tên tiếng Anh: Laminated glass recycling facility, LGRF), đã được sử dụng ở 5 công ty ở châu Âu (IEA PVPS, 2017).

[4] Tái chế hoàn toàn tấm PV (thế hệ tái chế, xử lý thứ hai) (tên tiếng Anh: Full Recovery End of Life Photovoltaics, FRELP), theo (FRELP, 2015; Latunussa và cs, 2016).

[5] Extended Producer Responsibility, EPR.

Tài liệu tham khảo:

1/ Chowdhury, M. S., Rahman, K. S., Chowdhury, T., Nuthammachot, N., Techato, K., Akhtaruzzaman, M., Tiong, S. K., Sopian, K., Amin, N. (2020). An overview of solar photovoltaic panels’ end-of-life material recycling. Energy Strategy Reviews, 27(100431), 1-11.

2/ D’Adamo, I., Miliacca, M., Rosa, P. Hindawi (2017) Economic Feasibility for Recycling of Waste Crystalline Silicon Photovoltaic Modules. Hindawi. International Journal of Photoenergy.  2017 (Article ID 4184676). 1-6. https://doi.org/10.1155/2017/4184676.

3/ European Waste Electrical and Electronic Equipment (WEEE) Initiative, 2012. PV Waste and Legislation. (Accessed 29 June 2021). http://www.solarwaste.eu/pv-waste-legislation/.

4/ Faircloth, C. C., Wagner, K. H., Woodward, K. E., Rakkwamsuk, P., Gheewala, S. H. (2019) The environmental and economic impacts of photovoltaic waste management in Thailand. Resources, Conservation & Recycling. 143 (2019) 260-272. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2019.01.008. Available at ScienceDirect.

5/ International Renewable Energy Agency (IRENA) & International Energy Agency Photovoltaic Power Systems Program (IEA PVPS), 2016. End-of-Life Management of Solar Photovoltaic Panels. June (Accessed 30 June 2021). http://www.irena.org/ publications/2016/Jun/End-of-life-management-Solar-Photovoltaic-Panels.

6/ ITRPV. International Technology Roadmap for Photovoltaic Results 2016, 8th ed; 2017.

7/ Komoto, K., Lee, J. S. (2018) End-of-Life Management of Photovoltaic Panels: Trends in PV Module Recycling Technologies. IEA (International Energy Agency)-PVPS (Photovoltaic power systems program)-Task12. Report IEA‐PVPS T12‐10:2018.

8/ Lunardi, M. M., Alvarez-Gaitan, J. P., Bilbao, J. I., Corkish, R. (2018). Chapter 2: Solar Panels and Photovoltaic Materials. A Review of Recycling Processes for Photovoltaic Modules: IntechOpen.

9/ Perinotto, T., 12 Agenda Items from State and Territory Enviro Pollies and Why They Matter, The Fifth Estate, 2017.

10/ S. Mahmoudi., N. Huda., Z. Alavi., M.T. Islam., M. Behnia. (2019) End-of-life photovoltaic modules: a systematic quantitative literature review. Resour. Conserv. Recycl. p1-16.

11/ Tao, J., Yu, S. (2015) Review on feasible recycling pathways and technologies of solar photovoltaic modules. Solar Energy Materials & Solar Cells, 141, 108-124. https://doi.org/10.1016/j.solmat.2015.05.005.

12/ The Australian Government 2017, Product Stewardship Act, 2011.

13/ Y. Xu., J. Li., Q. Tan., A.L. Peters., C. Yang. (2018) Global Status of Recycling Waste Solar Panels: A Review. Waste Management.

14/ Zhang, J., Lv, F., et al. (2015). Technical route and policy suggestion of PV recycling in China.

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *