Các thực phẩm Tết dễ bị nhiễm độc

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Ngày Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Lợi dụng tâm lý đó, nhiều nhà sản xuất vô lương tâm đã thêm các phụ gia độc hại rẻ tiền nhằm hạ giá thành mà vẫn có sản phẩm ngon, bắt mắt.

Ánh tím chỉ bánh chưng xanh nhờ luộc bằng pin

Bánh chưng, giò chả… thức ăn phổ biến ngày Tết (Ảnh minh họa: Như Ý)

Sở dĩ pin được sử dụng như một mánh khóe nghề nghiệp bởi môi trường chính của pin là kiềm. Chính chất kiềm là dung môi khiến hợp chất tạo màu xanh của lá được xanh hơn. Cũng trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, trong pin có chì và độ độc của chì là rất lớn, nhất là ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng của cơ thể.

Để phát hiện bánh có luộc bằng pin hay không, nên quan sát chiếc bánh. Nếu bánh có ánh tím thì nhiều khả năng bánh bị luộc bằng pin. Không nên chọn những chiếc bánh có màu xanh mướt hoặc màu không thật. Lá dong khi luộc bằng phương pháp truyền thống (qua 8 – 10 tiếng đun) thường có màu ngả vàng.

Giò chả có hàn the: phát hiện bằng giấy tẩm nghệ

Hàn the là loại phụ gia bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên vì dễ kiếm, rẻ nên chúng vẫn được các nhà sản xuất hám lợi sử dụng. Có một cách mà Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam tư vấn sẽ giúp các bà nội trợ phát hiện hàn the nhanh chóng. Xuất phát từ nguyên lý: Dung dịch nghệ hoặc giấy tẩm nghệ trong môi trường kiềm (pH >7) sẽ chuyển từ màu vàng sang đỏ cam. Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy nghệ thì làm giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ.

Có thể tự sản xuất giấy nghệ để phát hiện nhanh hàn the. Cách làm như sau: giã nhỏ nghệ, ngâm trong cồn từ 3 -4 giờ, sau đó gạn lấy dung dịch nghệ. Tiếp đến ngâm giấy lọc trong dung dịch nghệ khoảng 01 giờ. Sau đó, vớt ra để se mặt và ngâm tiếp giấy lọc trong dung dịch nghệ khoảng 1- 2 giờ rồi vớt ra phơi khô trong gió. Cắt nhỏ thành từng miếng (1,5 – 2cm) đựng trong hộp kín dùng dần.

Hạt dưa quá đỏ và phai màu tốt nhất nên tránh (Ảnh: Q. Minh)

Muốn thử xem thực phẩm bánh đúc, giò chả, … có hàn the không, ta lấy miếng giấy nghệ ấn vào bề mặt sản phẩm thử, ví dụ như giò. Nếu mặt giò quá se, ta có thể tẩm ướt nhẹ giấy nghệ bằng dung dịch acid loãng trước khi đặt vào bề mặt giò. Sau một phút quan sát, nếu thấy giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ thì kết luận giò có hàn the.

Hạt dưa nhuộm Rhodamine B: tránh màu sắc quá lòe loẹt

Nếu ăn hạt dưa nhuộm Rhodamine (một loại thuốc nhuộm trong công nghiệp may mặc), về lâu dài sẽ gây suy gan, thận và ung thư. Thế nhưng thực tế cho thấy, chất độc này vẫn được sử dụng để nhuộm màu đỏ cho hạt dưa, nhất là trong những ngày Tết này.

Dễ nhận thấy, nếu hạt dưa nhuộm chất Rhodamine B, thường chúng có màu rất đỏ, đẹp và rất bắt mắt. Tuy nhiên, nếu tinh ý, chỉ cần cầm 1 hạt đưa lên miệng nhấm thử, sau đó di nhẹ ra tay là có màu đỏ phai ra. Những loại hạt dưa này thì dứt khoát không mua vì chúng đã bị nhuộm bằng chất Rhodamine B độc hại.

Quốc Minh

Nguồn Báo Đất Việt

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *