(H2N2)-Một chuyên gia về các chất hóa học khuyến cáo mọi người không nên quan niệm sai về các hợp chất hóa học vì không hẳn mọi chất tự nhiên đều tốt hơn hóa chất do con người làm ra.
Gần đây, bà Uta Wille, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm ARC, Úc, chuyên nghiên cứu về chất hóa học và kỹ thuật sinh học, tìm mua nến thơm ở một cửa hàng. Người bán hàng nói với bà rằng nến thơm của cửa hàng được làm hoàn toàn từ thành phần thiên nhiên, không hề chứa hóa chất.
Để đáp lại, bà Uta Wille hỏi cô bán hàng liệu cô đã từng nghĩ đến những thành phần thiên nhiên đó là gì hay chưa và liệu chúng có phải là hợp chất hóa học hay không?
Cuộc đối thoại giữa bà với cô bán hàng khiến bà Uta Wille tự hỏi tại sao đối với nhiều người các chất được coi là có nguồn gốc tự nhiên và các chất hóa học được phân thành hai loại khác nhau. Các chất có nguồn gốc tự nhiên dường như luôn được xem là những chất có lợi, có tác động tốt cho sức khỏe đồng thời tốt cho môi trường. Trong khi đó, các hóa chất thường bị coi là có tác động trái ngược: độc hại và nguy hiểm.
Tại sao có sự phận biệt giữa việc sử dụng hóa chất hàng ngày ở khắp mọi nơi?
Định nghĩa thông thường của một hợp chất hóa học là: “bất cứ chất gì tạo nên từ các phân tử giống nhau chứa nguyên tử của một hoặc hai nguyên tố hóa học”.
Bao quanh con người là các hợp chất hóa học, cả trong và ngoài phòng thí nghiệm. Ví dụ, táo chứa đường (cac-bon hydrate), vitamin C (một chất chống ô-xi hóa), a-xít malic (thành phần tạo vị chua ở táo xanh), và ethyl 2-methylbutanoate, một chất tạo ra mùi đặc trưng của táo.
Theo tự nhiên, tất cả các hợp chất này đều chứa thành phần Cac-bon (C), Hydro (H) và ô-xi (O). Tất cả các nguyên tố này cùng với các nguyên tố khác cũng tồn tại trong nhiều vật liệu nhân tạo như sợi tổng hợp, nhựa, nước hoa, phân bón, chất bảo quản, và dược phẩm.
Việc con người có quan niệm sai về chất hóa học là do ảnh hưởng con người thấy nhiều sự việc trong thực tế: con người đã sử dụng một số chất hóa học trong các nguyên liệu nhân tạo nguy hiểm như chất độc màu da cam, thuốc nổ DDT và bom na-pan. Ngoài ra, một số chất hóa học là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và làm tầng ô-zôn bị thủng.
Những chất có nguồn gốc tự nhiên cũng không an toàn
Mặc dù vậy, thiên nhiên cũng có thể tạo ra những hợp chất hóa học nguy hiểm. Một loài động vật biển ở miền bắc nước Úc là một ví dụ. Đây là loài sứa độc nhất thế giới. Nọc của một con sứa độc có thể giết chết 60 người trưởng thành.
Nấm Aspergillus flavus, loại nấm thường thấy trong ngũ cốc, tạo ra chất aflatoxin, một trong những chất gây ung thư nguy hiểm nhất được biết đến.
Vi khuẩn Chlostridium botulimun tạo ra chất độc botulinum, loại độc tố thần kinh mạnh nhất hiện nay (loại không chứa độc tố được đưa vào quy trình sản xuất Botox dùng trong thẩm mỹ).
Mặc dù hầu hết mọi người đồng ý rằng con người cần sử dụng các loại thuốc tổng hợp để điều trị ung thư, HIV, chứng mất trí và bệnh Parkinson, tuy nhiên nhiều người vẫn cảm thấy e ngại với những hóa chất được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như thực phẩm, đồ uống, các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm.
Khác biệt thực sự giữa các chất có nguồn gốc tự nhiên và hóa chất
Trong thực phẩm có một số hương liệu. Một nhóm là hương liệu tự nhiên được chiết suất từ động thực vật. Nhóm thứ hai là các hương liệu giống tự nhiên. Mặc dù các hợp chất này được tạo ra từ quy trình tổng hợp hóa học, cấu trúc phân tử của chúng giống với các hương liệu tự nhiên, nghĩa là cả hai nhóm hương liệu có cùng mùi vị, màu sắc và cảm giác.
Có người từng cho rằng các hương liệu nhân tạo có thể an toàn hơn các hương liệu tự nhiên. Các chất có nguồn gốc từ thiên nhiên có thể chứa tạp chất trong khi các hương liệu tổng hợp phải vượt qua quy trình kiểm tra tiêu chuẩn về độ tinh khiết và chất lượng cũng như thử nghiệm trước khi được cấp phép đưa vào sử dụng.
Nước hoa cũng có thể chứa mùi hương tự nhiên, mùi hương giống tự nhiên hoặc mùi hương nhân tạo. Hóa chất tổng hợp tạo mùi hương đươc sử dụng phổ biến nếu các nguyên liệu thiên nhiên khó kiếm.
Điều thú vị là mùi hương tổng hợp thường được cho là ít có tác dụng phụ đối với một số người hơn so với hương thơm tự nhiên. Nguyên nhân có thể là do các hương thơm tổng hợp về cơ bản chỉ chứa một hợp chất hóa học trong khi hương thơm chiết suất từ thiên nhiên có thể chứa hàng ngàn hợp chất hóa học ở nồng độ thấp. Hỗn hợp các chất hóa học chưa được biết đến và chưa được thử nghiệm này làm tăng nguy cơ gây dị ứng.
Như vậy, khi mua nến thơm trong lần tới, bạn hãy nhớ rằng những chất có nguồn gốc thiên nhiên cũng chứa hóa chất. Bà Uta Wille khuyến cáo mọi người không nên quan niệm sai về các hợp chất hóa học tổng hợp. Chúng ta chỉ nên phân loại các hợp chất hóa học dựa trên tính năng sử dụng như chất tạo hương thơm, thuốc diệt cỏ, hương liệu, chất nhuộm màu, v.v. Chúng ta cũng cần nhớ rằng tất cả các chất này đều có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc được điều chế bằng phương pháp hóa học.
Hoahocngaynay.com
<
p style=”text-align: justify;”>Nguồn bayvut.co.au