“Cơ sở hóa học hữu cơ của hương liệu” là cuốn sách tham khảo vừa được Nhà xuất bản Tri thức phát hành quý IV năm 2011.
Các tác giả cuốn sách là những nhà khoa học uy tín của Cộng hòa liên Bang Nga: GS. TSKH. A.T. Soldatenkov; PGS. TS. H.M. Koliadina; PGS. TS. L.V. Nikolaevich (các giảng viên của trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc – Peoples’ Friendship University of Russia); GS. TSKH. A.G.Vladimirovich (giảng viên trường Đại học Công nghệ Hóa học LB Nga mang tên Mendeleev – D. Mendeleyev University of Chemical Technology of Russia) và TS. Lê Tuấn Anh (giảng viên khoa Hóa học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cuốn sách là tài liệu có giá trị cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng viên, sinh viên trong các ngành hóa học, sinh học, công nghệ hóa học, hóa mỹ phẩm, dược học và y học, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tổng hợp hương liệu và hương trị liệu. Cuốn sách hữu ích này rất phổ biến ở Liên bang Nga, được nhà xuất bản “Tủ sách Viện hàn lâm” phát hành năm 2006. Chỉ với hơn hai trăm trang sách, nhưng giá trị đào tạo và khoa học mang lại rất lớn bởi kiến thức được trình bày ngắn gọn, súc tích, cách thể hiện đơn giản để người đọc, người học dễ dàng tiếp cận và tiếp thu. Cuốn sách cập nhật được nhiều kiến thức mới trên cơ sở thông tin dữ liệu khoa học cần thiết về hóa học hữu cơ của hương liệu, các phương pháp tổng hợp và điều chế hương liệu ứng dụng trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm (nước hoa, xà phòng, … ), trong hóa thực phẩm (tạo mùi thơm cho thực phẩm), ứng dụng trong dược phẩm và hương trị liệu (tạo cảm giác sảng khoái và hưng phấn tinh thần …).
Bản dịch của cuốn sách được phát hành bởi nhà xuất bản Tri thức, với thiết kế bìa bắt mắt và trình bày đẹp, chất lượng in tốt. Nhận xét về cuốn sách Tiến sĩ Chu Ngọc Châu, Giảng viên khoa Hoá học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội viết: “Hiện nay các sách tiếng Việt tham khảo dành cho sinh viên trong lĩnh vực hương liệu ở nước ta không có nhiều, đặc biệt những kiến thức cơ bản về tổng hợp các hợp chất, được sử dụng làm hương liệu với nhiều ứng dụng thực tiễn trong mỹ phẩm, thực phẩm và trong y học (hương trị liệu pháp). Cuốn sách cũng góp phần khẳng định tầm quan trọng của ngành hóa học nói chung và cụ thể là ngành tổng hợp hữu cơ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày. Chỉ với hơn hai trăm năm tồn tại và phát triển, các chuyên gia trong lĩnh vực hóa học hữa cơ đã tổng hợp và điều chế ra hơn 20 triệu hợp chất hữu cơ, những hợp chất này có ứng dụng trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực của xã hội, được phổ biến rộng rãi, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của xã hội, cụ thể như nhu cầu về sức khỏe (các hợp chất làm thuốc); nhu cầu về cái đẹp (hương liệu ứng dụng trong hóa mỹ phẩm); nhu cầu về lương thực thực phẩm (các hợp chất kích thích tăng trưởng, bảo vệ mùa màng, diệt trừ dịch hại)… Cuốn sách đã đề cập đến một trong những ứng dụng quan trọng nhất của hóa học hữu cơ đó là Tổng hợp những hợp chất thơm, những hương liệu quan trọng phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất nước hoa, sữa tắm, nước thơm, son và các loại mỹ phẩm khác; trong các sản phẩm vệ sinh, cũng như làm hương liệu phụ gia cho thực phẩm.
Đặc biệt hiện nay, hương trị liệu – một hướng nghiên cứu trong y học nhằm phòng chống và điều trị một số loại bệnh bằng các loại hương liệu có thể hiện những hoạt tính sinh học hữu ích (thông thường dưới dạng tinh dầu). Cuốn sách bao gồm 6 chương chính, góp phần trả lời câu hỏi về vai trò của Hóa học hữu cơ – đề cập đến các vấn đề cơ bản và tinh vi của hóa học các hợp chất thơm – hương liệu, bao gồm cả các hợp chất có hoạt tính sinh học và các loại tinh dầu tự nhiên đã và đang được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất nước hoa (nước hoa, eau de cologne và các loại nước thơm); trong công nghiệp hóa mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh (mùi thơm, hương thơm cho các loại kem, son môi, mascara, xà phòng, sữa tắm, chất tẩy rửa tổng hợp và các sản phẩm hóa chất khác); trong công nghiệp thực phẩm (tạo hương vị cho thực phẩm – phụ gia hương liệu); cũng như trong các lĩnh vực khác.
Dữ liệu của cuốn sách được trình bày đơn giản và rõ ràng theo các nhóm và các lớp hợp chất hóa học, tương thích với chương trình đào tạo cơ bản về hóa học hữu cơ trong các trường đại học nhằm đem đến sự thuận lợi cho người đọc. Chương 1: Đề cập ngắn gọn lịch sử phát triển của hóa học các chất thơm – hương liệu, cung cấp kiến thức về cơ chế sự xuất hiện mùi hương trong sự tương tác của các phân tử với bio-receptor, cho phép chúng ta có thể hiểu được mối liên hệ giữa cấu trúc hóa học của một phân tử với mùi hương của nó. Các phương pháp tổng hợp và cơ sở dữ liệu hóa học của từng nhóm chất thơm cụ thể được trình bày trong các chương tiếp theo của cuốn sách; thành phần, tính chất, hương thơm và các đặc tính hương trị liệu của các loại hợp chất và hỗn hợp, được đặc tả theo nhóm cấu trúc, tương ứng với cấu trúc chính của các hợp chất.
Tin rằng cuốn sách được viết bởi các chuyên gia của LB Nga và Việt Nam và bản dịch do giảng viên Phan Trọng Đức và chính tiến sĩ Lê Tuấn Anh – một đồng tác giả – sẽ được người đọc đón nhận nhiệt tình và sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm và hương liệu tại Việt Nam. Cuốn sách cũng như một sự thể hiện truyền thống hợp tác lâu năm giữa nền khoa học của LB Nga (Liên Xô trước đây) và nền khoa học Việt Nam trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ trình độ cao.”
* TS, Giảng viên khoa Hóa học, trường ĐHKHTN – ĐHQGHN.
Hoàng Văn Hà* – T/c Khoa học và Tổ quốc
Nguồn Vusta.vn