Độc tố Botulinum là gì?

QUẢNG CÁO

Độc tố botulinum sinh ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum, đây là một chất độc cực mạnh, chỉ 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg. Người bệnh thường bị nhiễm độc tố botulinum khi ăn các loại đồ hộp đóng kín không bảo đảm điều kiện bảo quản.

Botulinum

1.Nguồn gốc độc tố botulinum

Chất độc botulinum toxin do vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum) sinh ra. Đây là một vi khuẩn gram dương kỵ khí, hình que hai đầu tròn, có nhiều lông quanh thân, di động. Trong điều kiện khắc nghiệt, vi khuẩn C.botulinum có thể biến thành dạng nha bào vô cùng chắc chắn, có khả năng tồn tại cao. Do đó, C.botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày…

Vi khuẩn C.botulinum có đặc điểm kỵ khí, do đó không thể phát triển ở những nơi thông gió tốt, có đủ oxy. Đồng thời, vi khuẩn cũng không phát triển được ở môi trường chua (pH <4.6), mặn (nồng độ muối ăn >5%). Khi thực phẩm đóng hộp có lẫn một vài bào tử C.botulinum do quy trình sản xuất không đảm bảo, trong môi trường được đóng kín không có oxy, nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum.

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,… nếu được sản xuất và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố clostridium botulinum. Tình trạng này thường xảy ra tại các gia đình, sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Ví dụ ở Thái Lan đã xảy ra ngộ độc loại này do lọ măng, ở Trung Quốc do đậu lên men, ở Việt Nam ngộ độc pate chay,… Xu hướng ngộ độc đang tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn,…

Botulinu toxin

Cấu trúc botulinum

2. Độc tố clostridium botulinum nguy hiểm như thế nào?

Độc tố do C. botulinum là loại độc tố thần kinh (neurotoxin) có bản chất là chuỗi polypeptid với phân tử lượng 150 nghìn Dalton. Độc tố botulinum gồm có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái từ A đến G. Trong đó ngộ độc loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến E và F, các loại còn lại ít gặp hơn. Độc tố botulinum là chất độc cực mạnh, chỉ 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg, 1kg có thể gây tử vong 1 tỷ người.

Người bệnh thường nhiễm độc tố botulinum qua độc tố trong thực phẩm. Tất cả các loại thức ăn nếu bảo quản không tốt đều có thể gây ngộ độc. Nguồn gây bệnh thường gặp là các loại đồ hộp có độ acid thấp như đậu, nô, thịt hộp cá hộp,… Trẻ dưới một tuổi cũng có thể bị ngộ độc độc tố clostridium botulinum nếu sử dụng mật ong, sữa bột chứa C. botulinum dạng nha bào. Nha bào sau khi vào đường tiêu hóa sẽ phát triển và sinh độc tố. Bên cạnh đó, độc tố botulinum cũng có thể nhiễm qua các vết thương. Thể này hay gặp ở những người tiêm chích ma túy.

3. Phát hiện và điều trị ngộ độc botulinum như thế nào?

Ngộ độc botulinum thường được chẩn đoán qua phân tích mẫu phân và dịch nôn, điều trị bằng thuốc kháng độc tố, kháng sinh hoặc máy thở.

Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, có thể khiến người nhiễm bị liệt cơ, rối loạn nhịp thở hoặc tử vong chỉ với 0,004 μg/kg. Nghi án botulinum gây chết người nổi tiếng nhất gần đây là sinh viên Mỹ Otto Warmbier, bị liệt khi đang ở Triều Tiên và sau đó qua đời tại quê nhà.

Xem thêm: Hóa chất độc hại – vũ khí hủy diệt đầu thế kỷ 21

Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt rõ rệt. Sau đó, người bệnh thường có biểu hiện mờ mắt, khô miệng, khó nuốt, khó nói. Một vài trường hợp gặp tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và trướng bụng.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành suy yếu cơ, cánh tay. Tiếp đến, các cơ quan hô hấp và vùng thân dưới bị ảnh hưởng. Người bị ngộ độc botulinum không gây sốt hay mất ý thức.

Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ (phạm vi tối thiểu và tối đa là từ 4 giờ đến 8 ngày) sau khi tiếp xúc thực phẩm nhiễm khuẩn. Tỷ lệ ngộ độc thấp, song nguy cơ tử vong sau khi mắc là khá cao nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp. Tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm độc là 5-10%.

Để chẩn đoán ngộ độc botulinum, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu suy yếu hoặc liệt cơ như sụp mí mắt, nói thều thào. Bệnh nhân cũng được yêu cầu liệt kê các loại thực phẩm đã ăn trong khoảng một tuần.

Ở các ca ngộ độc trẻ sơ sinh, thường là do tiếp xúc với chất độc sau khi ăn mật ong, biểu hiện táo bón và chậm chạp.

Phân tích máu, phân hoặc dịch nôn cũng có thể giúp chẩn đoán ngộ độc botulinum. Song các xét nghiệm này thường mất nhiều ngày nên không được ưu tiên như khám lâm sàng.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định đo điện tâm đồ, chụp cộng hưởng từ để kiểm tra dấu hiệu đột quỵ, chọc dò tuỷ sống giúp phân biệt với hội chứng có biểu hiện tương tự là Guillain-Barre.

Đối với các ca ngộ độc botulinum, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách giải phóng hệ tiêu hoá, để bệnh nhân nôn hoặc tiểu tiện nhiều lần. Trong trường hợp ngộ độc từ vết thương hở, bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ mô nhiễm trùng, tuỳ mức độ nghiêm trọng.

Xem thêm: 5 độc tố nguy hiểm nhất với con người

Một trong những cách chữa trị cơ bản đối với người được chẩn đoán sớm là tiêm kháng độc tố, làm giảm nguy cơ biến chứng. Thuốc sẽ liên kết với các chất độc vẫn đang lưu thông trong máu, giữ cho chúng không “chạy” vào hệ thần kinh.

Biện pháp này không thể khắc phục hoàn toàn tổn thương ban đầu mà botulinum đã gây ra. Song, các dây thần kinh có cơ chế tự tái tạo. Nhiều bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, có những người mất vài tháng để điều trị.

Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ trên thế giới thường sử dụng loại kháng độc tố riêng, được gọi là globulin.Một trong những loại thuốc sử dụng để điều trị ngộ độc botulinum. (Ảnh: AP).

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến nghị cho tất cả các loại ngộ độc botulinum vì chúng có thể đẩy nhanh quá trình phát tán độc tố.

Nếu cảm thấy khó thở, người bệnh có thể phải sử dụng máy thở trong vài tuần cho đến khi tác động của chất độc giảm dần. Quá trình có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Sau khi đã thải độc tố, một số bệnh nhân cần đến các liệu trình phục hồi chức năng để cải thiện khả năng nói, nuốt và các cơ quan các bị ảnh hưởng.

4. Làm gì để đề phòng độc tố Botulinum?

Để phòng ngừa nhiễm độc do botulinum, người dân cần thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”. Một số sản phẩm thanh trùng bằng nhiệt trong dây chuyền công nghiệp, thương mại (kể cả các mặt hàng được đóng gói chân không hoặc hun khói) có thể không đủ đảm bảo vệ sinh, chưa tiêu diệt toàn bộ bào tử vi khuẩn.

WHO từng đề ra Năm chìa khoá đối với An toàn Thực phẩm là: giữ sạch, nấu kỹ, để riêng đồ sống và chín, trữ thực phẩm ở nhiệt độ chuẩn, sử dụng nước và nguyên liệu an toàn.

Theo WHO, các ca ngộ độc hàng loạt đối với botulinum rất hiếm, nhưng đều là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi nhận biết nhanh chóng nhằm xác định nguồn bệnh. Tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc đáng kể vào việc chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.

Mặc dù ngộ độc botulinum có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, hầu hết người mắc đều hồi phục hoàn toàn. Chữa trị từ giai đoạn đầu giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *