Khí cacbonic (CO2) là nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng nóng lên của Trái Đất và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã phát triển một công nghệ mới, cho phép sử dụng khí CO2 trên quy mô thương mại để tạo ra các sản phẩm có ích.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH), Hàn Quốc, đã sản xuất thành công enzym cacbonic anhydraza, một loại enzym mới có tác dụng xúc tác phản ứng chuyển hóa khí cacbonic và nước thành bicacbonat và các proton, từ đó có thể tạo ra các hợp chất được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm công nghiệp như chất dẻo, cao su, sơn và xương nhân tạo.
Enzym cacbonic anhydraza được điều chế bằng phương pháp hóa học như trên có thể cho phép thực hiện trên quy mô thương mại việc chuyển hóa khí cacbonic thu giữ từ không khí.
Trước đây, việc sử dụng cacbonic anhydraza cho mục đích thương mại còn bị hạn chế do giá thành của nó quá cao. Cho tới nay người ta vẫn phải điều chế enzym này từ máu bò, nên giá 1 gam chất này lên tới gần 2.700 USD.
Nghiên cứu trên là một phần trong dự án do chính phủ Hàn Quốc tài trợ để phát triển các phương pháp thu giữ khí CO2.
Theo Bộ Đất đai, Giao thông vận tải và Hàng Hải Hàn Quốc, enzym cacbonic anhydraza mới được phát triển có thể thay thế có hiệu quả cho các loại enzym anhydraza thông thường và giúp làm giảm hàm lượng khí cacbonic trong khí quyển.
Phạm Huệ
Nguồn Vinachem/Yonhap News Agency