Giải Nobel hóa học 2009

QUẢNG CÁO

nobel2009(Hóa học ngày nay-H2N2)-Người Mỹ một lần nữa hãnh diện khi hai khoa học gia đồng hương của họ cùng chia sẻ Nobel Hóa học với một đồng nghiệp người Israel.

Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển hôm qua xướng tên Venkatraman Ramakrishnan – người Mỹ gốc Ấn Độ, Thomas A.Steitz – người Mỹ và Ada E.Yonath người Israel cho giải Nobel Hóa học 2009 nhờ khám phá ra cấu trúc và chức năng của ribosome, một thành phần quyết định tạo nên sự sống, theo website nobelprize.org. Ribosome, còn gọi là ribô thể, là một bào quan có mặt trong tất cả các tế bào của sinh vật và đảm nhiệm chức năng tổng hợp protein cho tế bào.

Vì protein là thành phần cơ bản của sự sống nên có thể xem ribosome là “cỗ máy” xây dựng và duy trì sự tồn tại của sinh vật. Thông báo chính thức của Hội đồng Nobel tuyên bố công trình của ba nhà khoa học là nền tảng cho việc nghiên cứu các loại kháng sinh hiện đại. “Nhiều loại kháng sinh hiện nay hoạt động bằng cách tấn công ribosome của vi khuẩn vì không có bào quan này, vi khuẩn không thể sống sót”, Hội đồng tuyên bố, “Khám phá về ribosome đã hỗ trợ trực tiếp cho nỗ lực bảo vệ mạng sống của con người trước nhiều loại bệnh tật”.

Bên trong mỗi tế bào của bất kỳ sinh vật sống nào đều có các phân tử DNA. Những phân tử này chứa thông tin quyết định hình dáng và đặc điểm chức năng của một người, một cơ thể thực vật hay một con vi khuẩn. Nhưng phân tử DNA hoàn toàn thụ động – nếu không có tác nhân nào khác thì bản thân DNA không thể tạo nên sự sống.

riboxom_2009

Cấu trúc một ribôxôm của vi khuẩn chụp bằng X-quang. Các phân tử rRNA được nhuộm màu cam, các protein của bán đơn vị nhỏ (small subunit) có màu xanh da trời và protein của bán đơn vị lớn (large subunit) màu xanh lá cây. Một phân tử kháng sinh (màu đỏ) gắn vào bán đơn vị nhỏ. Các nhà khoa học nghiên cứu những cấu trúc này với mong muốn tạo ra những loại thuốc kháng sinh mới hiệu quả hơn trong tương lai. (Ảnh: © Nobel Foundation)

Những thông tin kể trên chỉ được chuyển thành sự sống thực sự nhờ hoạt động của các ribôxôm. Dựa trên thông tin chứa trong DNA, ribôxôm sẽ sản xuất ra các loại protein: haemoglobin vận chuyển oxy, hay kháng thể trong hệ miễn dịch, hay các hormone như insulin, collagen của da, và enzyme chuyển hóa đường thành năng lượng cho cơ thể. Có tới hàng vạn protein khác nhau trong mỗi sinh vật, chúng tồn tại dưới các dạng và thực hiện các chức năng khác nhau. Chúng hình thành và điều khiển sự sống ở cấp độ hóa học.
Ramakrishnan (57 tuổi), Steitz (69 tuổi) và Yonath (70 tuổi) thực hiện những nghiên cứu của mình hoàn toàn độc lập nhưng đã công bố các khám phá về ribosome gần như cùng lúc vào tháng 8 và tháng 9.2000, theo AFP. Cả ba sẽ chia đều giải thưởng trị giá 10 triệu Kronor (khoảng 1,4 triệu USD) cùng bằng khen và thư mời đến lễ trao giải tại Stockholm (Thụy Điển). Tiến sĩ Ramakrishnan, hiện đang làm việc tại Anh, dành tặng vinh dự này cho đội ngũ đồng sự trong phòng thí nghiệm của mình và nói ông cùng 2 người cùng chiến thắng là đại diện cho công sức của rất nhiều người.

Có lẽ giải thưởng này có ý nghĩa đặc biệt nhất với Ada E.Yonath khi bà trở thành người phụ nữ Israel đầu tiên đoạt một giải Nobel dù nước này đã 9 lần được Hội đồng Nobel vinh danh với 3 giải Hóa học. “Tôi đang ở cùng con gái khi được thông báo thắng giải và sự tự hào của nó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất”, Yonath phát biểu với giới truyền thông Thụy Điển qua điện thoại. Bà Yonath là người tiên phong nghiên cứu ribosome trong những năm 80 và chính những thành công của bà đã thúc đẩy các ông Ramakrishnan và Steitz tham gia lĩnh vực này.

AFP dẫn lời bà Yonath cho hay câu chuyện về cuộc đời và thành tựu của nữ khoa học gia vĩ đại Marie Curie, người đầu tiên nhận 2 giải Nobel, đã khiến bà quyết tâm dấn thân vào hóa học. Bà cũng là người luôn ủng hộ nữ giới tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học. “Phụ nữ chiếm một nửa dân số và thế giới sẽ hoang phí một nửa lượng chất xám nếu phụ nữ không được khuyến khích nghiên cứu khoa học”, bà nói với AFP.

Cả ba người thắng giải đều khẳng định họ sẽ không dừng lại sau thành tựu này mà sẽ tiếp tục đeo đuổi những nghiên cứu mới. “Thật ra bảy tám năm trước người ta đã nói với tôi công trình về ribosome có khả năng đoạt giải Nobel nhưng tôi đâu thể nào suốt ngày ngồi mơ về các giải thưởng,” bà Yonath nói.

Danh sách những người đoạt giải Nobel Hóa học từ năm 1980 tới nay

2008: Osamu Shimomura (Nhật Bản), Martin Chalfie và Roger Tsien (Mỹ) đã nhận giải thưởng trị giá 1,4 triệu USD vì đã phát hiện ra chất protein huỳnh quang xanh (GFP) Lần đầu tiên GFP được quan sát ở sứa biển là vào năm 1962.

2007: Gerhard Ertl, Đức, cho những nghiên cứu về các phản ứng hóa học trên bề mặt chất rắn. Công trình này tăng cường sự hiểu biết tại sao tầng ozone đang mỏng đi, cách thức các tế bào nhiên liệu hoạt động và thậm chí tại sao sắt gỉ.

2006: Roger D. Kornberg, Mỹ, cho công trình nghiên cứu cách thức tế bào lấy thông tin từ gene để sản xuất protein.

2005: Yves Chauvin (Pháp) và Robert H. Grubbs và Richard R. Schrock (Mỹ), cho nghiên cứu tìm ra cách làm giảm chất thải độc hại khi tạo ra các hóa chất mới.

2004: Aaron Ciechanover và Avram Hershko (Israel) và Irwin Rose (Mỹ) cho công trình về cách thức các tế bào phân hủy.

2003: Peter Agre và Roderick MacKinnon (Mỹ) cho nghiên cứu về cách thức các chất chủ chốt tiến vào hoặc rời khỏi các tế bào trong cơ thể, và khám phá của họ liên quan tới các lỗ nhỏ, được gọi là “kênh“, trên bề mặt tế bào.

2002: John B. Fenn (Mỹ), Koichi Tanaka (Nhật Bản) và Kurt Wuethrich (Thụy Sĩ) vì đã phát triển các cách thức dùng trong nhận diện và phân tích các phân tử sinh học lớn.

2001: William S. Knowles và K. Barry Sharpless (Mỹ) và Ryoji Noyori (Nhật Bản) cho công trình về cách kiểm soát tốt hơn các phản ứng hóa học, dọn đường cho các loại dược phẩm trị bệnh tim và bệnh Parkinson.

2000: Alan J. Heeger và Alan G. MacDiarmid (Mỹ), Hideki Shirakawa (Nhật Bản) cho phát minh mang tính cách mạng trong lĩnh vực sản xuất các chất dẻo có thể dẫn điện, và kích thích sự phát triển nhanh chóng của điện tử học phân tử.

1999: Ahmed H. Zewail (Mỹ) vì đã tiên phong điều tra nghiên cứu các phản ứng hóa học cơ bản, sử dụng tia laser cực ngắn, trên thang thời gian mà các phản ứng thường xảy ra.

1998: Walter Kohn (Mỹ) cho nghiên cứu phát triển Phiếm hàm mật độ và John Pople (Anh) cho nghiên cứu phát triển các phương pháp tính toán trong hóa học lượng tử.

1997: Paul D. Boyer (Mỹ), John E. Walker (Anh) và Jens C. Skou (Đan Mạch) cho công trình nghiên cứu cách thức các tế bào cơ thể lưu trữ và truyền năng lượng.

1996: Harold W. Kroto (Anh) và Robert F. Curl Jr., Richard E. Smalley (Mỹ) cho khám phá của họ về “buckyball“, một loại phân tử carbon có hình trái bóng.

1995: Paul Crutzen (Hà Lan), Mario J. Molina và F. Sherwood Rowland (Mỹ) cho công trình nghiên cứu về sự hình thành và phân hủy tầng ozone.

1994: George A. Olah (Mỹ) cho những đóng góp của ông trong ngành hóa carboncation.

1993: Kary B. Mullis (Mỹ) và Michael Smith (Canada) cho nghiên cứu phát triển hai phương pháp mới mang lại sự tiến bộ quyết định trong công nghệ gene.

1992: Rudolph A. Marcus (Mỹ) vì đóng góp của ông vào giả thuyết các phản ứng truyền điện trong các hệ thống hóa học.

1991: Richard R. Ernst (Thụy Sĩ) vì những đóng góp cho sự phát triển phổ cộng hưởng từ hạt nhân độ phân giải cao (NMR).

1990: Elias James Corey (Mỹ) cho sự phát triển giả thuyết và phương pháp luận của tổng hợp hữu cơ.

1989: Thomas Cech và Sidney Altman (Mỹ) cho công trình chứng minh một cách độc lập rằng RNA còn có thể trợ giúp tích cực cho các phản ứng hóa học.

1988: Johann Diesenhofer, Robert Huber và Hartmut Michel (Tây Đức) vì đã xác định được cấu trúc của các protein nhất định cần trong quang hợp.

1987: Donald J. Cram và Charles J. Pedersen (Mỹ) và Jean-Marie Lehn (Pháp) cho nghiên cứu tổng hợp các phân tử có thể bắt chước các phản ứng sinh học quan trọng.

1986: Dudley R. Herschbach, Yuan T. Lee (Mỹ) và John C. Polanyi (Canada) cho công trình nghiên cứu chứng tỏ cách thức các phản ứng hóa học cơ bản diễn ra.

1985: Herbert A. Hauptman và Jerome Karle (Mỹ) cho nghiên cứu phát triển các phương pháp xác định cấu trúc phân tử của pha lê.

1984: Robert Bruce Merrifield (Mỹ) cho công trình phát triển phương pháp luận cho tổng hợp hóa học trên nền rắn.

1983: Henry Taube (Mỹ) cho công trình giải thích phản ứng hóa học trong mọi vật, từ quang hợp ở thực vật cho tới pin và các tế bào nhiên liệu.

1982: Aaron Klug (Anh) cho công trình nghiên cứu về cấu trúc gene.

1981: Kenichi Fukui (Nhật Bản) và Roald Hoffmann (Mỹ) cho công trình nghiên cứu về hóa học lý thuyết trong thúc đẩy quá trình của các phản ứng hóa học.

1980: Paul Berg (Mỹ) cho các nghiên cứu cơ bản về hóa sinh acid nucleic và Walter Gilbert (Mỹ), Frederick Sanger (Anh) cho những đóng góp liên quan tới chuỗi Acid nucleic.

<

p style=”text-align: justify;”>Theo Nobelprize.org

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *