Khai thác khí đá phiến, chủ đề gây tranh luận tại Pháp

QUẢNG CÁO

shale-gasTrong tình hình giá cả dầu mỏ tăng cao, trên thế giới đang nổi lên xu hướng quay sang tìm kiếm các loại năng lượng mới. Một trong các tài nguyên được nói đến khá nhiều trong thời gian gần đây là « khí đá phiến » (shale gas, gaz de schiste). Phong trào khai thác khí đá phiến, một tài nguyên vốn đã được khai thác ngày càng mạnh từ 8 năm nay tại Mỹ, giờ đây đang lan sang Pháp.

Đầu năm nay, một số địa phương tại Pháp đã bất ngờ phát hiện thấy nhiều giấy phép khai thác và thăm dò khí đá phiến đã được cấp bởi chính phủ Pháp cho một số công ty. Cụ thể là cách đây một năm, đã có các giấy phép thăm dò được cấp cho công ty dầu mỏ Total và công ty Hoa Kỳ Schuepbach Energy, có liên kết với GDF Suez, cho phép tiến hành các nghiên cứu trên một diện tích hơn 10.000 km² thuộc năm tỉnh miền đông nam nước Pháp. Trên thực tế, theo RFI, năm 2007 sau khi xác định được một lượng dự trữ khí đá phiến khá lớn tại Pháp, đã có 31 giếng khoan đi vào hoạt động.

Phát hiện về các giấy phép được cấp một cách lặng lẽ cho các công ty thăm dò khí đá phiến đã gây ra một phản ứng rất dữ dội ở nhiều nơi trên đất Pháp. Nỗi lo ngại lớn nhất thường được nói đến, là các thảm nước ngầm dưới lòng đất bị nhiễm độc, giống như trường hợp đã xảy ra tại tiểu bang Hoa Kỳ Pennsylvania. Bên cạnh đó, lượng nước sử dụng cho việc khai thác khí đá phiến là rất lớn.

Theo giải thích của các nhà địa chất học, khí đá phiến là một loại khí đốt tự nhiên nằm sâu trong lòng đất khoảng từ 2.000 mét trở lên. Loại khí này mặc dù đã được khai thác tại Hoa Kỳ từ gần một thập kỷ nay, nhưng trên phương diện quốc tế vẫn được coi là một tài nguyên ngoài quy ước (non-conventionnel), vì đòi hỏi các kỹ thuật khai thác đặc biệt. Khác với khí đốt thông thường nằm gọn trong lòng đất, “khí đá phiến”, như tên gọi của nó, nằm sâu dưới nhiều lớp đá. Như vậy, để có thể khai thác được loại khí này, cần phải phá vỡ các lớp đá bao bọc bằng cách phóng vào đó một khối lượng nước, cát và hóa chất lớn. Kỹ thuật được gọi là khoan phá bằng nước (fracturation hydraulique) rất tốn kém, chứa đựng nhiều khả năng gây ra tai biến, và vì vậy đây là một trong các yếu tố bị chỉ trích mạnh mẽ nhất trong hoạt động thăm dò và khai thác loại khí đốt này. Bên cạnh sự tốn kém vì chi phí, một điểm nữa trong việc khai thác tài nguyên này, cũng bị nhiều luồng dư luận phản đối, đó là việc các giếng khoan với số lượng rất lớn sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường.

Chống khai thác khí đá phiến trên quy mô toàn quốc

Trả lời những quan ngại này, ngày 4/2/2011, bà Nathalie Kosciusko-Morizet, bộ trưởng Bộ Môi trường, đã ra quyết định hoãn lại việc khai thác dầu và khí đốt nằm dưới các lớp đá phiến, trong khi chờ tiến hành một nghiên cứu về các tác động môi trường.

Để tìm hiểu về phong trào phản kháng chống lại việc nghiên cứu thăm dò và khai thác khí đá phiến tại Pháp, đầu tháng 3/2011, RFI đã tiến hành thực hiện một phóng sự do phóng viên Arnaud Jouve thực hiện.

Đầu tháng Ba, tại thị trấn Doue, tỉnh Seine-et-Marne, thuộc vùng Ile-de-France, cách Paris khoảng 60 km, một cuộc tập họp lớn của những người phản đối việc khai thác khí đá phiến đã được tổ chức. Đây cũng chính là nơi có đề nghị cấp giấy phép tiến hành thăm dò. Tham gia cuộc tập hợp này, có nhiều nhà hoạt động chính trị đương chức hay đã từng giữ các chức vụ quản lý trong chính quyền trong lĩnh vực môi trường. Bà Michèle Rivasi, nghị sĩ Quốc hội Châu Âu thuộc phong trào sinh thái Châu Âu, một thành viên tích cực của phong trào cho biết nhận xét của bà về ý nghĩa của cuộc tập hợp này và mục tiêu mà phong trào hướng đến :

« Cuộc đấu tranh này là rất quan trọng đối với nước Pháp ở cấp độ quốc gia. Tất cả các vùng của nước Pháp, nơi có các giấy phép khai thác khí đá phiến đều có mặt tại đây hôm nay, để hợp lại các phương tiện mà chúng tôi có trong tay.

Chúng tôi đã hợp lại các thông tin, nhiều nhà khoa học có mặt tại đây, chúng tôi có những người hiểu biết về khí đá phiến và những hậu quả của việc khai thác đối với môi trường.

Tiếp theo đó, là sự phối hợp về phương diện pháp lý. Làm thế nào có thể tiến hành được các vụ kiện ? Rất nhiều luật sư có mặt tại đây để hỗ trợ chúng tôi. Vấn đề thứ ba là tài chính. Chúng tôi sẽ lập ra một hiệp hội, để làm sao các quà tặng từ các tổ chức và các cá nhân có thể đóng góp dồi dào vào một quỹ chung ấy giúp cho vụ kiện được tiến hành.

Thực sự là chúng tôi đang tiến hành lập ra một « bộ máy chiến tranh » (machine de guerre). Điều này cho thấy, càng đông thì càng mạnh. Nếu có được các phương tiện hoàn thiện nhất có thể được, thì chúng ta có thể ngăn chặn được việc khai thác và điều tra thăm dò khí đá phiến.

Tuy nhiên, chỉ trên phương diện pháp lý là không đủ, cần phải huy động sự tham gia của các công dân, thậm chí có thể cần phải nằm ra đường để ngăn những chiếc xe tải lại. Thật sự là, phải đến lúc người Pháp nói rằng, việc khai thác khí đá phiến đã bị áp đặt cho chúng tôi từ trên xuống, chúng tôi không hề được biết gì về các hệ quả và các hiểm họa của nó. Các nghiên cứu thăm dò và đánh giá tiềm năng đá phiến sẽ không thể nào được phép tiến hành. »

Biểu tình tại làng Nant thuộc tỉnh Aveyron phản đối khai thác, 17/4/2011. AFP/Eric Cabanis

Trong cuộc họp của phong trào phản đối khai thác khí đá phiến tại Seine-et-Marne, có cả sự tham gia của một nhà hoạt động môi trường đến từ vùng Quebec, Canada. Vị khách Bắc Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến tác động của các điểm khoan đến cảnh quan môi trường :

« Tôi đến đây để chia sẻ một số kinh nghiệm tại Quebec với các bạn Pháp. Mục tiêu chủ yếu là để họ thấy họ không đơn độc, trước các luận điểm được các tập đoàn công nghiệp và các chính phủ khẳng định một cách đầy sức nặng. Đây là dịp thể hiện sự đoàn kết và chúng tôi cũng có nhiều điều học hỏi được. Hiện nay tình thế đã thay đổi, mọi người sẵn sàng chấp nhận bất cứ các dự án nào, một cảm nhận mới về môi trường đang hình thành. Bối cảnh kinh tế cũng rất nhiều thay đổi.

Một khía cạnh khác là, thông thường theo tôi biết, người ta thường chỉ để ý đến một chiếc giếng khoan, mà vấn đề là, để có được khí đá phiến, phải có hàng chục chiếc tại một địa điểm, như vậy dự kiến sẽ phải có hàng nghìn giếng khoan như thế, tại thung lũng Saint-Laurent hay thũng lũng Drôme. Vấn đề chủ yếu là như vậy. »

Tại Quebec, ngày 8/3, chính quyền địa phương đã ra một quyết định ngừng lại việc khai thác loại tài nguyên này, cùng với các tài nguyên khác trong lòng đất. Một nghiên cứu dự trù sẽ được tiến hành và kéo dài từ 18 đến 30 tháng. Trong suốt quá trình này, các thăm dò và nghiên cứu bằng phương pháp khoan phá nước sẽ chỉ được cho phép nhằm mang lại các hiểu biết khoa học.

Khai thác khí đá phiến, nhưng không ảnh hưởng đến môi trường

Bị phản đối mạnh trong công luận, đặc biệt là sự kháng cự từ phía phong trào bảo vệ môi trường, trong giới khai thác dầu khí Pháp có nhiều phản ứng cho rằng việc chỉ trích tác hại của việc khai thác khí đá phiến bằng phương pháp khoan nước trên thực tế không dựa trên các bằng chứng xác thực. Sau đây là ý kiến của ông Jean-Louis Schilansky, chủ tịch Tổ chức khai thác dầu mỏ Pháp (UFIP) :

“Về tác động của phương pháp khai thác khoan phá bằng nước (fracturation hydraulique), từ này để lại ấn tượng về một tác động thô bạo. Nhưng cần thận trọng với các từ ngữ. Các biện pháp này hoặc mạnh nhiều, hoặc mạnh ít, nhưng theo tôi, không nên suy luận theo các hình ảnh hay các biểu tượng. Tại Hoa Kỳ, việc khai thác đã được tiến hành mà hoàn toàn không để lại ảnh hưởng gì đến môi trường. Hơn nữa, đây không phải là các kỹ thuật mới, mà chúng đều đã được sử dụng từ lâu. Rõ ràng kỹ thuật khoan phá bằng nước để khai thác khí đá phiến đang bị người ta bôi xấu. Điều này chúng tôi cho là không công bằng.

Dù gì chăng nữa, sẽ không có chuyện khai thác hay thăm dò nếu các hoạt động này có ảnh hưởng đến môi trường. Chính phủ Pháp sẽ không để cho những chuyện đó xảy ra, cũng như chưa bao giờ để xảy ra chuyện đó. Đây cũng là mong muốn của chúng tôi.

Chúng ta cần phải tìm ra được một tiến trình, một cách làm để có thể khai thác được tiềm năng khoáng sản này, như tôi đã nói là rất quan trọng, mà vẫn bảo vệ được môi trường. Điều cần làm là hãy để cho chúng tôi thực hiện các mũi khoan thăm dò để có thể đánh giá được trữ lượng dưới lòng đất. Bởi vì, nếu như chúng ta không có được các ước định về tiềm năng dầu lửa hay khí đốt, thì các suy luận vẫn chỉ là suy luận mà thôi, về cơ bản, chúng không dựa trên cơ sở cụ thể nào cả.”

Bản đồ phân bố khí đá phiến

@ Reuters

Bổ sung cho điều này, Hội các nhà khoan dầu khí Pháp giải thích kỹ thuật khoan nước rõ ràng cần đến nhiều nước, nhưng nước này sau đó có thể lấy lại và tái xử lý. Nếu như công việc được tiến hành tốt, các hóa chất được sử dụng sẽ không làm ô nhiễm ra khu vực xung quanh, điều này càng đúng hơn, trong trường hợp các vách đá bao bọc khí đặc biệt rắn chắc. Một thành viên của hiệp hội này cũng nhấn mạnh, trường hợp ô nhiễm như ở Mỹ sẽ khó xảy ra tại Pháp, vì ở Pháp việc cấp phép rất nghiêm ngặt và các nghiên cứu thẩm định tác động môi trường là bắt buộc. Và cho dù việc thăm dò và khai thác khí đá phiến có bị cấm tại Pháp, trào lưu này đang lan mạnh tại một số khu vực trên thế giới. Ngay ở châu Âu, tại Ba Lan, đã có 90 giấy phép được cấp.

Phong trào chống khai thác khí đá phiến tại địa phương

Trong khi chờ đợi quyết định của chính giới, tại các địa phương, phong trào phản kháng bắt đầu tổ chức những buổi mít tinh để cổ động cho chủ trương cấm hoàn toàn việc khai thác cũng như nghiên cứu thăm dò về khí đá phiến. Tại Ardèche, một trong năm tỉnh nơi có giấy phép thăm dò khí đá phiến, vào đầu tháng Ba, một cuộc tập hợp với hàng ngàn người tham gia đã được tổ chức. Có mặt trong cuộc tập hợp này, ông Pascal Terrasse, đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hội đồng đại biểu dân cử tỉnh Ardèche, đã cho biết ý kiến:

“Tỉnh này được xếp là tỉnh đứng đầu nước Pháp về ý thức môi trường. Chúng tôi gắn bó với mảnh đất của chúng tôi, gắn bó đến mức các bạn không thể tưởng tượng được nổi.

Tôi rất xúc động khi thấy hàng nghìn người Ardèche đến đây để bảo vệ các giá trị : bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên, bảo vệ chất lượng cuộc sống, đơn giản là như vậy.

Tôi nói một cách long trọng rằng : nếu như, chính phủ tiếp tục cưỡng lại, họ sẽ làm bạo lực bùng nổ tại tỉnh chúng tôi. Sẽ không có gì có thể cản được chúng tôi.”

Cuộc phản kháng chống lại việc khai thác khí đá phiến đã lôi cuốn nhiều người thuộc giới trẻ địa phương, có thiện cảm với ý thức hệ bảo vệ môi trường. Phản ứng đầy xúc cảm của người trả lời phỏng vấn dưới đây cho thấy, đối với cô, việc khai thác khí đá phiến có thể phá hoại môi trường tại địa phương là nằm trong một xu thế phát triển bất chấp tác động môi trường nói chung.

“Người ta đang ở trong một tầm nhìn ngắn hạn. Còn một chút dầu lửa, vậy thì cứ tiếp tục khai thác đi ! Việc này dù có làm ô nhiễm môi trường, nhưng không sao đâu, cứ tiếp tục đi !

Ta hoàn toàn mặc kệ tác động của biến đổi khí hậu đến các thế hệ sau. Ta đã xử sự như thế đấy. Người ta cứ nhắm mắt đi về phía trước, để mặc phía sau. Kiểu gì, lúc đó chúng ta cũng không còn đó nữa, vậy thì mặc kệ !

Thế đấy, làm như thế khác gì người ta nhạo báng chúng tôi. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng tôi cảm thấy điều này là vô cùng phi lý. Thực trạng này buộc chúng ta phải nổi giận, buộc chúng ta phải nổi dậy”.

Dự luật cấm khai thác khí đá phiến bằng kỹ thuật khoan nước được Quốc hội Pháp thông qua

Cuối tháng Ba, nhóm nghị sĩ thuộc đảng UMP, đảng đa số trong Quốc hội Pháp đã trình ra một dự luật đề nghị hủy bỏ các giấy phép khai thác khí đá phiến với kỹ thuật khoan phá bằng nước và cấm việc khai thác cũng như thăm dò trên toàn bộ lãnh thổ. Sau một thời gian đàm phán và tranh luận, ngày 11/5, dự luật về việc cấm khai thác khí đá phiến bằng phương pháp khoan nước, đã qua sửa đổi, được thông qua tại Quốc hội Pháp với 287 phiếu thuận, 186 phiếu chống. Dự luật này còn phải được đưa ra tranh luận tại Thượng viện vào đầu tháng 6.

Theo bình luận của một số chuyên gia, việc một bộ luật như vậy được thông qua thể hiện mối lo lắng của chính giới Pháp đối với các tác động môi trường của việc khai thác khí đá phiến. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng và chi phí năng lượng tăng cao, tạo nên một áp lực ngày càng lớn, khiến việc tìm kiếm các nguồn năng lượng tại chỗ là một cơ hội hết sức hấp dẫn khó lòng bỏ qua. Trong khi đó, về phía nhiều người hoạt động môi trường cũng như khá nhiều các nghị sĩ, luật này vẫn còn mang tính nửa vời, vì để ngỏ cho việc nghiên cứu thăm dò và khai thác khí đá phiến bằng các phương pháp khác.

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Trọng Thành (RFI)

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *