Khẩu phần ăn của trẻ Hà Nội nhiễm kim loại nặng?

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Kết quả nghiên cứu 12 nhóm thực phẩm có trong khẩu phần ăn của trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi ở 4 quận nội thành Hà Nội được viện Dinh dưỡng quốc gia vừa đưa ra cho thấy, nhiều mẫu có hàm lượng kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép.

Theo đó, nhóm thực phẩm ăn hàng ngày bị nhiễm chì cao nhất là ở gạo, thịt heo, rau muống, tôm, cam và quýt.

Nghiên cứu này được thực hiện trong vòng một năm (từ tháng 3/2009 – 3/2010) tại các phường của bốn quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nhóm nghiên cứu thực hiện lấy danh sách trẻ từ 24-36 tháng tuổi và các mẫu thực phẩm được mua ở chợ, siêu thị dựa trên thực đơn hàng ngày của trẻ tại các trường mầm non này. Mẫu thực phẩm được mua từ chợ, siêu thị về được xử lý cho việc sẵn sàng nấu như các bà mẹ chuẩn bị cho con. Kết quả xét nghiệm 12 mẫu thực phẩm tiêu thụ hàng ngày của nhóm tuổi này cho thấy cho dù được rửa, sơ chế sạch sẽ trước khi nấu cho trẻ thì hàm lượng kim loại tồn dư trong thực phẩm vẫn còn cao quá ngưỡng của bộ Y tế quy định.

Kết quả phân tích cho thấy, tình trạng ô nhiễm chì cao nhất ở rau muống và thịt heo (5/8 mẫu nhiễm chì), sau đó đến gạo (5/12 mẫu). Tôm, cam và quýt có 1/4 số mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chì. Về chỉ tiêu kim loại nặng Cadmi, thực phẩm vượt quá quy định cho phép của bộ Y tế nhiều nhất là gạo (3/12 mẫu), thịt heo 2/8 mẫu, thịt bò 2/4 mẫu. Theo quy định của bộ Y tế, giới hạn chì tối đa trong các loại quả là <= 0,1 mg/kg, ngũ cốc – đậu <=0,2mg/kg… Nếu vượt quá hàm lượng này đều gây ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ người dùng.

Thông tin trên đã làm nhiều gia đình lo lắng. Ngày 29/4, trao đổi với Sài Gòn tiếp thị, TS Nguyễn Thị Lâm, viện phó viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, số liệu trên được đưa ra tại “Hội nghị khoa học toàn quốc – Hội y tế công cộng Việt Nam lần thứ 7” vừa tổ chức. Tuy nhiên, đây là kết quả nghiên cứu thăm dò bước đầu về khẩu phần ăn của trẻ trong độ tuổi 24-36 tháng. Hơn nữa, những mẫu thực phẩm lấy được rất nhỏ, lại ở các chợ, siêu thị, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chưa kể hàng hóa bán tại chợ còn ô nhiễm khói bụi.

“Kết quả này chưa khẳng định điều gì. Thực phẩm lấy mẫu ngoài chợ, siêu thị độc lập với khẩu phần ăn của trẻ tại các nhà trẻ. Những số liệu đưa ra chỉ là kết quả nghiên cứu các thực phẩm bán tại chợ, siêu thị và nguy cơ nếu trẻ dùng sẽ ảnh hưởng thế nào. Nghiên cứu này chỉ là thăm dò yếu tố nguy cơ, không mang tính đại diện”, TS Lâm khẳng định.

TS Nguyễn Thị Lâm cũng khuyên các bà mẹ nên mua thực phẩm an toàn đã được kiểm duyệt để tránh những tác hại không đáng có cho sức khỏe.

Lệ Hà

Nguồn Sài Gòn tiếp thị

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *