Lãng phí nghiên cứu đất hiếm

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Rất nhiều công trình nghiên cứu về đất hiếm được các nhà khoa học VN thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu lại không được ứng dụng.

Phòng thí nghiệm MANAR đặt tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) được đầu tư với kinh phí 36 tỉ đồng. Theo TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, cần đầu tư một phòng thí nghiệm với số tiền tương đương để nghiên cứu đất hiếm – Ảnh: Minh Đức

Tại Hội nghị hóa vô cơ – đất hiếm – phân bón toàn quốc lần 4 vừa diễn ra tại TP.HCM, có 97 công trình nghiên cứu được công bố. Trong đó có 65 báo cáo thuộc chuyên ngành hóa vô cơ và 19 công trình nghiên cứu về chuyên ngành đất hiếm.

Đất hiếm là một nguồn nguyên liệu khoáng sản quý có tính quyết định để phục vụ sản xuất hàng điện tử như micro, loa, tai nghe, các thiết bị âm nhạc, ổ cứng máy tính, trong cáp quang viễn thông, công nghệ màn hình LED, công nghệ in tiền, công nghệ bán dẫn, siêu dẫn, các bộ phận dành cho xe hybrid…

Các nguyên tố đất hiếm và các kim loại đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học.

Nghiên cứu rồi… để đó

PGS.TS Lê Minh Đại – Viện Khoa học và công nghệ VN – cho biết đã có vài chương trình nghiên cứu đất hiếm nhưng chỉ ở mức đề tài phát triển công nghệ mà chưa phát triển được thành chương trình nghiên cứu lớn. Nhiều chương trình được khơi lên nghiên cứu rồi xếp lại, không làm các giai đoạn tiếp nối khi thí nghiệm thử nghiệm và triển khai sản xuất phát triển thành công nghiệp. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học về đất hiếm vẫn chưa đến nơi đến chốn. Mặt khác, vẫn chưa có nhịp cầu kết nối các nhà khoa học với các nhà sản xuất.

Do vậy, các công trình nghiên cứu sau khi hoàn tất vẫn chỉ nằm trên giấy và trong phòng thí nghiệm.

Theo PGS.TS Đại, chúng ta đã định hướng phân chia đất hiếm từ hai năm trước thì phải tiếp tục định hướng ứng dụng đất hiếm tại VN như đưa vào ngành công nghiệp gang thép, nông nghiệp, đưa về ứng dụng trong y học, sinh học… để chuyển từ công trình nghiên cứu sang ứng dụng thực tế.

Chưa có bài toán tổng thể về quản lý, nghiên cứu, phát triển công nghiệp đất hiếm trong khi hơn 10 triệu tấn oxit đất hiếm chứa rất nhiều nguyên tố quý đang chờ được khai thác một cách có hiệu quả. Các hoạt động của ta mới đang ở phân đoạn phân tích đất hiếm.

Chưa đủ lực

Trong khi đó, riêng về quá trình nghiên cứu, TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – cũng cho rằng các phòng thí nghiệm trong nước chưa đủ điều kiện để nghiên cứu về đất hiếm. Để nghiên cứu cần hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ mới đắt tiền.

Để đầu tư một phòng thí nghiệm có thể làm việc phải tốn hàng chục tỉ đồng. Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) cũng như các trường ĐH khác vẫn chưa đủ lực để đầu tư một phòng thí nghiệm nghiên cứu đất hiếm.

Ngoài ra, để nghiên cứu đất hiếm còn phải tập hợp được đội ngũ chuyên gia. Các trường, các viện hiện đều thực hiện nghiên cứu độc lập, chưa có sự kết nối, có rất ít dịp để các nhà khoa học cùng ngồi với nhau chia sẻ, công bố các nghiên cứu của mình.

Các nhà khoa học cũng đã đưa ra rất nhiều ứng dụng của đất hiếm vào nền kinh tế. PGS.TS Đại cho biết có những ứng dụng đất hiếm rất thực tế như dùng đất hiếm làm xúc tác xử lý khí thải hay đưa đất hiếm vào phân vi lượng. Ứng dụng này đã có những hiệu quả nhất định trong môi trường pilot nhưng để triển khai sản xuất đại trà lại là một bài toán nan giải. Theo

PGS.TS Đại, Viện Khoa học và công nghệ VN đang xây dựng đề án về phát triển công nghiệp đất hiếm VN để trình Chính phủ.

HỒNG NHUNG

Nguồn Tuổi trẻ

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Bình luận