Muỗi và DDT

QUẢNG CÁO

muoi(Hóa học ngày nay-H2N2)-Có tài liệu nói, đến nay, con người đã thử qua 45.000 loại hóa chất diệt muỗi nhưng tiếc thay hiệu quả vẫn chưa như mong muốn, muỗi vẫn còn là vấn nạn của con người. Trong cuộc chiến đấu trường kỳ giữa người và muỗi, DDT (dichloro – diphenyl trichloroethane: C14 H9 Cl5) tuy hiện nay không còn được dùng, nhưng bản tráng ca oanh liệt một thời của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người, nhất là giải Nobel long trọng đã dành cho DDT vào năm 1948.

Muỗi: Công thần hay tội phạm?

Thực ra, giống muỗi đa số không hút máu người, sống bằng phấn và mật hoa, nó là nguồn thực phẩm cho nhiều sinh vật khác, nếu thiếu chúng, nhiều loại chim và thú ăn côn trùng sẽ chết, tai họa này còn lớn hơn nhiều so với điều tệ hại do loài muỗi gây ra. Người đầu tiên lên án muỗi là nhà bác học Anh: Patrick Manson. Vào năm 1878, ông đã chứng minh giống muỗi Culex quinquefasciatus truyền bệnh giun chỉ – căn bệnh làm cho tứ chi và hạch trong người bị sưng phồng lên, đôi khi gây ra chứng phù chân voi. Năm 1897, Manson xác định một số giống muỗi anophèle có thể truyền bệnh sốt rét. Năm 1900, các nhà khoa học lại phát hiện giống muỗi Aedes aegypti là tác nhân của bệnh sốt vàng da và loại muỗi vằn này còn truyền virut Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Số người chết hằng năm do muỗi đốt truyền bệnh cũng khá lớn, chỉ riêng bệnh sốt rét, hàng năm đã làm 3 triệu người tử vong

DDT: Thời oanh và liệt

Nhà hóa sinh học Thụy Sĩ: Paul Muller (1899-1965) là người phát minh ra thuốc DDT vào năm 1938. Đây là một loại thuốc trừ sâu, từng tỏ ra vô địch trong việc thanh toán các loại côn trùng có hại cho nông nghiệp. Hồi chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939-1945), lính chiến đấu ở Bắc Phi đã dùng DDT để khử một số bọ typhus (nên đã tránh được bệnh thương hàn) và trong việc diệt chấy rận. Sau đó DDT được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để diệt muỗi ở Nam Âu, Bắc Phi và châu Á, mang lại hiệu quả cao. Sản xuất DDT giá thành rẻ, tác dụng tốt, kéo dài tới 6 tháng trong khi những loại thuốc diệt côn trùng khác chỉ dọa muỗi có vài ngày. Muỗi chết như ngả rạ mà DDT lại được coi là vô hại. Điều này, năm 1948 đã mang lại giải Nobel cho Paul Muller và lúc đó mọi người đều phấn khởi vì đã có loại thuốc kỳ diệu chống lại muỗi. Năm 1955, WHO phát động phong trào tổng tấn công sốt rét, thúc đẩy việc sản xuất DDT tại nhiều nước, coi DDT là cây đũa thần chống lại bệnh sốt rét. Kết quả, Đài Loan, Jamaica và sau này thêm 35 quốc gia khác, bệnh sốt rét dường như bị đẩy lùi, hy vọng thanh toán bệnh này (!). Nhưng chỉ một thời gian sau, muỗi “quen” DDT, trong 60 loài muỗi truyền bệnh sốt rét thì ít nhất đã có 51 loài khinh nhờn. Đã xuất hiện loài “siêu anophèle” đề kháng cao với DDT. Tại Bờ biển Ngà, 100% loại muỗi mang ký sinh trùng sốt rét tỏ ra coi thường DDT, chúng vẫn bình yên vô sự trước cảnh phun DDT ồ ạt.

Năm 1962, nhà nghiên cứu Rachel Carson tuyên bố DDT tàn phá môi sinh và làm hại động vật, trong đó có con người, không phải là nhỏ. Không kể DDT tàn sát nhiều loại động vật ăn côn trùng mà bất ngờ hơn là DDT có thành phần cấu trúc tương đối ổn định. Khi bị phân giải trong môi trường tự nhiên, trong nước biển tồn tại 20 năm còn trong đất cát thì không biết lâu đến chừng nào DDT mới bị phá hủy hoàn toàn. DDT thâm nhập vào cơ thể nhiều sinh vật, hòa tan trong mỡ và cư ngụ lâu trong cơ thể sống. Bò gặm cỏ nhiễm DDT sẽ đem đến cho người ăn thịt này một lớp mỡ độc. Vô tình, DDT đã có mặt trong dây chuyền thực phẩm, làm ô nhiễm một cách âm thầm, tệ hại. Khi nồng độ DDT có trong sinh vật với lượng đáng kể, có thể gây chết hoặc làm mất khả năng sinh sản. Với người, tác hại của DDT trầm trọng, nó phá hủy các nội tiết tố giới tính, gây các bệnh về gan và thần kinh. Năm 2001, Hội nghị Stockholm về thuốc và hóa chất trừ sâu đã xếp DDT vào danh sách 20 hóa chất nguy hiểm.

Hậu DDT: Vô kế khả thi (!)

Sau khi cấm DDT, các nhà khoa học tìm mọi loại hóa chất khác để thay thế. Rất tiếc, trong thập niên 1980, trong 4.000 loại hóa chất mới tìm ra, đem ứng dụng chỉ xấp xỉ 10 loại có tác dụng ít nhiều với muỗi. Trong việc chống “giặc muỗi”, con người đưa ra 3 phương pháp chính dùng chất hóa học: hiệu quả thấp; làm thay đổi môi trường sống của muỗi như: thoát nước, làm khô đất, phá rừng cây nhưng hại nhiều hơn lợi và cuối cùng sinh học: làm muỗi anophèle đực bất lực, thả trực khuẩn độc vào nơi có cung quăng, dùng nấm độc để diệt cung quăng… Nghe thì hay, nhưng kết quả rất khiêm nhường. Đã từng có dự án triển khai một loài muỗi anophèle biến đổi gen để chúng có thể kìm giữ ký sinh trùng sốt rét bên trong dạ dày muỗi và không đi theo tuyến nước bọt khi muỗi đốt người, nhằm làm gián đoạn quá trình truyền bệnh. Tất cả chỉ là lý thuyết, vì cần 10 con muỗi biến đổi gen trên 1 con muỗi hoang dã mới có thể làm thay đổi tập tính của muỗi. Với hàng tỷ tỷ con anophèle hiện nay, cần biết bao nhiêu muỗi biến đổi gen, chưa kể có tới 60 loài anophèle truyền bệnh sốt rét và liệu sau này loại muỗi mới tạo ra sẽ tác động đến loài người như thế nào, bài học DDT đang rất còn sống động, cần được rút kinh nghiệm.

Trước sự bất lực đó, muỗi tiếp tục hoành hành. Cuối cùng, DDT tuy bị cấm nhưng theo khảo sát, có ít nhất 19 quốc gia vẫn dùng và 31 nước khác tuyên bố nếu không có biện pháp nào diệt muỗi hữu hiệu hơn, họ lại cầu cứu đến DDT!
Nguồn Hoahocngaynay.com/Sức khỏe&Đời sống
Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *