Nhiên liệu sinh học hại cho khí hậu hơn hóa thạch

QUẢNG CÁO

 

(H2N2)-Theo nghiên cứu của chín nhóm môi trường, các kế hoạch của châu Âu về đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ khuyến khích nông dân chuyển 69.000km2 đất hoang, tương đương diện tích của Cộng hòa Ireland, thành những cánh đồng và trang trại – điều có thể làm giảm sản lượng lương thực và đẩy nhanh tình trạng biến đổi khí hậu.

 

Lượng nhiên liệu sinh học tăng thêm được sử dụng cho thập kỷ tới sẽ tạo ra lượng khí thải cao hơn 81-167% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Chín nhóm bảo vệ môi trường đã đi đến kết luận này sau khi phân tích các số liệu chính thức liên quan tới mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) trong việc đưa các nguồn năng lượng có thể tái tạo lên 10% nhiên liệu dùng cho các phương tiện giao thông vào năm 2020.

Tuy nhiên, nhóm năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) nói diện tích đất sử dụng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học là đất bị bỏ hoang ở châu Âu và châu Á, điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động đối với việc sản xuất lương thực và biến đổi khí hậu.

Các nghiên cứu mới đã đặt ra sự nghi ngờ về mục tiêu 10% của EU, song các quan chức năng lượng của khu vực này cho rằng chỉ khoảng 2/3 mục tiêu này được đáp ứng thông qua nhiên liệu sinh học, còn lại sẽ là từ điện.

Tuy nhiên, 23 trong số 27 nước thành viên của khối đã công bố các chiến lược quốc gia về năng lượng tái tạo, theo đó 9,5% nhiên liệu sử dụng cho các phương tiện giao thông vào năm 2020 là nhiên liệu sinh học, với 90% nguồn năng lượng này được sản xuất từ các loại cây lương thực.

Theo người đứng đầu nhóm năng lượng của EC, Philip Lowe, đó là một mức khá cao, song còn quá sớm để đặt ra vấn đề có cần xem xét lại mục tiêu này hay không.

Những tranh cãi tập trung vào khái niệm mới “chuyển đổi sử dụng đất gián tiếp.” Về cơ bản, việc chuyển một diện tích đất dùng cho sản xuất lương thực sang sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ khiến một số người phản đối, trừ phi lượng ngũ cốc bị mất đi được bù đắp bằng việc gieo trồng ở những nơi khác.

Sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thể diễn ra ở bất cứ đâu, song trước hết là ở các khu vực nhiệt đới, với việc người nông dân sẽ mở rộng diện tích đất trồng ở các khu rừng màu mỡ.

Đốt rừng rõ ràng sẽ sinh ra lượng khí thải vô cùng lớn, đủ để làm tan biến bất cứ lợi ích nào mà nhiên liệu sinh học mang lại.

Tác động gián tiếp của chiến lược đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu sinh học của EU là sẽ tạo ra thêm 27-56 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm. Trong trường hợp xấu nhất, con số sẽ tương đương với lượng khí thải của 26 triệu chiếc xe chạy trên đường phố châu Âu.

Lượng khí thải từ nhiên liệu sinh học mỗi năm ở Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italy và Pháp dự kiến sẽ tăng nhiều nhất, với các mức tương ứng 13,3; 9,5; 8,6; 5,3 và 3,9 tấn. Tuy nhiên, bức tranh chung còn phức tạp hơn nhiều.

Nhóm năng lượng của EC nói có một số giải pháp để bù đắp lượng ngũ cốc bị giảm đi như nâng cao năng suất và cải tạo đất hoang.

Các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học truyền thống cho rằng các quan chức EU không nên điều chỉnh chính sách năng lượng của mình vì những kết luận của các nghiên cứu mới, do chúng vẫn rất không chắc chắn.

Ông Emmanuel Desplechin thuộc Hiệp hội mía đường Brazil (UNICA) nói bất kỳ chính sách công nào dựa trên những kết luận còn gây nhiều tranh cãi như vậy đều rất dễ bị Tổ chức Thương mại Thế giới điều chỉnh.

Theo Novozymes của Đan Mạch – công ty đã sản xuất được nhiên liệu sinh học từ rơm, EU nên sửa đổi chính sách hướng tới thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học từ những phế thải nông nghiệp như vậy.

Hoahocngaynay.com

Nguồn TTXVN
Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *