“Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030” có 10 nhóm sản phẩm, gồm: phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; hóa dầu; hóa chất cơ bản; điện hóa học; khí công nghiệp; cao su; chất tẩy rửa; sơn và mực in; hóa dược.
Quy hoạch cần có tính liên kết
Theo nhận định của ông Lê Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam – quy hoạch có đến 10 ngành như vậy là quá dàn trải. Để tránh lặp lại những thất bại giống như nhiều bản quy hoạch khác, nên chọn những ngành mũi nhọn có thể như: Phân bón, cao su, hóa dược làm trọng điểm. Riêng với nhóm ngành cao su, ông Khánh đề nghị, thời gian tới chúng ta cần ưu tiên hơn. Hiện với ngành cao su, chủ yếu chúng ta mới chỉ dừng lại ở sản xuất săm lốp, trong khi các sản phẩm chế biến từ cao su rất đa dạng. Trên thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ cao su, trong khi Việt Nam lại đang xuất khẩu mủ cao su với số lượng lớn.
Đồng tình với ông Khánh, ông Chử Văn Nguyên- Trưởng ban kỹ thuật – (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) – cho rằng, trong bản quy hoạch, chúng ta quá kỳ vọng nên nhiều ngành không “ôm” nổi. Ông Nguyên phân tích, trong 10 nhóm ngành, nên rà soát lại một số dự án chưa thể thực hiện ngay được. Ví dụ ngành điện hóa đề ra mục tiêu đến năm 2015 làm pin nhiên liệu là rất khó khả thi.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy hoạch cần tính đến việc đồng bộ giữa quy hoạch hóa chất với quy hoạch của các ngành khác để xây dựng cho phù hợp. Ví dụ khi liên kết được với ngành cơ khí ô tô, chúng ta cần tính toán đến năm 2015 nhu cầu ô tô sẽ là bao nhiêu, từ đó quy ra sản lượng săm lốp thực cần, chủng loại nào ưu tiên dùng trong nước, chủng loại nào cần xuất khẩu? Từ đó để lên kế hoạch sản xuất cho phù hợp, tránh cái cần thì thiếu, cái không cần thì thừa.
Trong hóa chất, thực tế có thể nguyên liệu đầu vào của nhà máy này lại là nguyên liệu đầu ra của nhà máy kia. Nhưng hiện các đơn vị hóa chất chưa tính đến yếu tố liên kết và khép kín trong sản xuất, dẫn tới tình trạng lãng phí và tốn kém. Ở các nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…, các nhà máy đều được xây dựng trong một khu liên hợp, giúp tận dụng và sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu. Nhưng ở Việt Nam đang quy hoạch độc lập và nhỏ, lẻ.
Công nghệ là yếu tố quan trọng nhất
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong quy hoạch hóa chất, cái cần chú trọng nhất là vấn đề môi trường vì hóa chất là lĩnh vực nhạy cảm và có nguy cơ ô nhiễm cao. Ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- nhấn mạnh: Tất cả các nhà máy hóa chất cần đưa thêm tiêu chí nghiêm ngặt về môi trường trong quy hoạch, nhất là hệ thống tuần hoàn nước thải, đặc biệt là dự án mở rộng dây chuyền tuyển quặng apatit.
Thêm nữa, cần đầu tư về trình độ và công nghệ, có quy định rõ ràng cho phép công nghệ nào thì được đầu tư, các tiêu chuẩn về khí thải, nước thải ra sao…
Ngành hóa chất trong nước vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó cần quy hoạch rõ đến giai đoạn 2015, 2020, 2030, ngành hóa chất sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong nền kinh tế, từng bước giảm nhập siêu thế nào…
Việc chủ động xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân lực, tiến tới làm chủ được từ thiết kế, lắp đặt, chế tạo các nhà máy hóa chất cũng phải tính tới trong quy hoạch, để hạn chế việc phải mua thiết bị và chọn nhà thầu của nước ngoài, dẫn tới phụ thuộc nhiều vào công nghệ và thiết bị của họ như hiện nay.
Hải Dương
Nguồn Báo Công Thương điện tử
Hải Dương