Rèn luyện trí thông minh cho học sinh thông qua việc dạy môn hóa học ở trường phổ thông

QUẢNG CÁO

thuc_hanh_Hoa_hoc(H2N2)-Phát triển năng lực nhận thức, tư duy độc lập, sáng tạo và rèn trí thông minh cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trong của nhà trường phổ thông. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần nhấn mạnh:

“ Chương trình và sách giáo khoa phải đảm bảo dạy cho học sinh những nguyên lí cơ bản toàn diện về các mặt đức dục, trí dục, mĩ dục. Đồng thời tạo cho các em điều kiện phát triển trí thông minh, khả năng độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Cái quan trọng của trí dục là rèn luyện trí thông minh và sức suy nghĩ …Phương pháp giảng dạy bao giờ cũng đi đôi với nội dung giảng dạy, anh dạy như thế nào giúp cho người học trò, người sinh viên óc khả năng độc lập suy nghĩ, giúp cho cái thông minh của họ làm việc, phát triển chứ không phải giúp cho họ có trí nhớ. Phải có trí nhớ nhưng chủ yếu là giúp cho họ phát triển trí thông minh sáng tạo ”. Do đó nhà trường phổ thông phải đào tạo ra những con người có phẩm chất trí tuệ, chủ yếu là những phẩm chất của sức suy nghĩ, của tư duy: óc suy nghĩ độc lập sáng tạo, trí thông minh.

1. Những biểu hiện của trí thông minh:

Từ các tài liệu khoa học giáo dục có thể rút ra một số quan niệm về trí thông minh:

“ Trí thông minh là tổng hợp các năng lực của trí tuệ của con người (quan sát, ghi nhớ, tưởng tượng, tư duy. . .) mà đặc trưng cơ bản nhất là tư duy độc lập và sáng tạo nhằm ứng phó với tình huống mới ”.

“ Trí thông minh xét trong bản chất của nó là một phẩm chất cao của tư duy sáng tạo đưa đến việc giải quyết vấn đề một cách mau lẹ và thích hợp trong tình huống mới cho nên nó không chỉ thể hiện ở sự nhận thức mà biểu hiện trong cả hành động thực tiễn ”.

– Trí thông minh là phẩm chất cao của năng lực tư duy nhằm giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và sáng tạo. Đặc trưng cơ bản nhất của trí thông minh là tính độc lập, sáng tạo trong suy nghĩ và trong hành động.

– Một học sinh học thông minh là một học sinh có năng lực quan sát tốt, có trí nhớ logic nhạy bén, có óc tưởng tượng linh hoạt phong phú, ứng đối sắc sảo đối với vấn đề hoá học và làm việc có phương pháp.

– Những phẩm trên của của một học sinh thông thường được biểu hiện ở chỗ biết sử dụng các thao tác tư duy và hình thức tư duy:

Có năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh, cụ thể hoá, trừu tượng hoá, khái quát hoá, quy nạp, suy diễn, loại suy từ tài liệu giáo khoa, từ thực nghiệm và từ bài toán.

Có năng lực suy nghĩ độc lập tự nhìn thấy vấn đề và phát hiện được vấn đề, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, kiểm tra và đánh giá được cách giải quyết của bản thân, phê phán cách đặt và cách giải quyết vấn đề của người khác.

Có năng lực suy nghĩ linh hoạt, sáng tạo, phát hiện được mối liên hệ khăng khít giữa những sự kiện đã có trong thực nghiệm, trong bài tập hoặc trong thực tế sản xuất, đời sống để tìm ra phương pháp đúng, hợp lí, độc đáo để giải quyết vấn đề đặt ra.

Do đó một học sinh học giỏi hoá học sẽ nắm được kiến thức cơ bản về hoá học một cách chính xác, hành động tự giác: hiểu, nhớ, vận dụng tốt những kiến thức đó trong học tập và đời sống.

2. Rèn luyện trí thông minh cho học sinh:

Thực chất của việc rèn luyện trí thông minh cho học sinh là bồi dưỡng năng lực suy nghĩ linh hoạt, sáng tạo mà bước đầu là giải các bài toán nhận thức độc lập sáng tạo.

Trong việc rèn luyện trí thông minh cũng như bồi dưỡng các thuộc tính tâm lí khác điều quan trọng là phải thường xuyên, liên tục và có hệ thống.

Việc rèn luyện trí thông minh không tách rời óc quan sát, phát triển trí tưởng tượng, trau dồi ngôn ngữ, bồi dưỡng chú ý, cung cấp những tri thức và phương pháp làm việc, hình thành những kĩ năng, kĩ xảo. Những năng lực này tự nó chưa phải là rèn luyện trí thông minh nhưng ở mỗi giai đoạn phát triển thì một năng lực nào đó trong số ấy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh.

Rèn trí thông minh cần đi song song với xây dựng tình cảm tốt đẹp rèn luyện ý chí và những phẩm chất khác của nhân cách. Những phẩm chất này có thể bù trừ phần nào cho trí thông minh nhưng không thể thay thế hoàn toàn nó trong cấu trúc nhân cách của một con người có đức có tài.

Như vậy trí thông minh của học sinh phải được rèn luyện qua tất cả các khâu của quá trình dạy học và thường xuyên chú ý trên cơ sở vận dụng tốt các nguyên tắc dạy học, giáo dục và các quy luật tâm lý của học sinh. Việc rèn luyện trí thông minh cho học sinh phải thông qua những việc làm cụ thể có tác động đến tư duy học sinh đặc biệt là tư duy sáng tạo.

3. Những phẩm chất và năng lực quan trọng của một học sinh giỏi hóa học:

Theo các tài liệu về tâm lý học và phương pháp dạy học hóa học thì năng khiếu hóa học được thể hiện qua một số năng lực và phẩm chất sau:

a. Năng lực tiếp thu kiến thức:

Khả năng nhận thức vấn đề nhanh, rõ ràng.

Luôn hứng thú trong các tiết học, nhất là bài học mới.

Có ý thức tự bổ sung, hoàn thiện những tri thức đã thu được ngay từ dạng sơ khai.

b. Năng lực suy luận logic:

Biết phân tích sự vật, hiện tượng qua các dấu hiệu đặc trưng của chúng.

Biết thay đổi góc nhìn khi xem xét một sự vật hiện tượng.

Biết cách tìm con đường ngắn để sớm đi đến kết luận cần thiết.

Biết xét đủ các điều kiện cần thiết để đạt được kết luận mong muốn.

Biết xây dựng các ví dụ để loại bỏ một số miền tìm kiếm vô ích.

Biết quay lại điểm vừa xuất phát để tìm đường đi mới.

c. Năng lực đặc biệt:

Biết diễn đạt chính xác điều mình muốn.

Sử dụng thành thạo hệ thống kí hiệu, các qui ước để diễn tả vấn đề.

Biết phân biệt thành thạo các kĩ năng đọc, viết và nói.

Biết thu gọn các vấn đề và trật tự hóa các vấn đề để dùng khái niệm trước mô tả cho các khái niệm sau.

d. Năng lực lao động sáng tạo:

Biết tổ hợp các yếu tố, các thao tác để thiết kế một dãy các hoạt động nhằm đạt kết quả mong muốn.

e. Năng lực kiểm chứng:

Biết suy xét sự đúng sai từ một loạt sự kiện.

Biết tạo ra các tương tự hay tương phản để khẳng định hoặc bác bỏ  một đặc trưng nào đó trong sản phẩm do mình làm ra.

Biết chỉ ra một cách chắc chắn các dữ liệu cần phải kiểm nghiệm sau khi thực hiện một số lần kiểm nghiệm.

f. Năng lực thực hành:

Hóa học là bộ môn khoa học thực nghiệm nên học sinh có năng khiếu hóa học không chỉ có các năng lực trên mà cần có khả năng về thực nghệm, năng lực tiến hành các thực nghiệm hóa học:

Biết thực hiện dứt khoát một số động tác trong khi làm thí nghiệm.

Biết kiên trì, kiên nhẫn trong quá trình làm sáng tỏ một số vấn đề lí thuyết qua thực nghiệm hoặc đi đến một số vấn đề lí thuyết mới dựa trên thược nghiệm.

Vấn đề về năng khiếu hóa học và những thành tố chủ yếu của năng khiếu hóa học còn cần được tiếp tục nghiên cứu thêm. Trước mắt cần xác định những phẩm chất và năng lực quan trọng nhất của một học sinh giỏi hóa học. Đó là:

Có kiến thức hóa học cơ bản vững vàng, sâu sắc, hệ thống. Chính là nắm vững bản chất hóa học của các hiện tượng hóa học.

Có năng lực tư duy hóa học: Biết phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa cao, có khả năng sử dụng phương pháp mới (qui nạp, diễn dịch, loại suy…). Có khả năng quan sát, nhận xét, nhận thức các hiện tượng tự nhiên.

Biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo những kiến thức cơ bản và hướng nhận thức đó vào tình huống mới, không theo đường mòn.

Dương Xuân Thành

Hoahocngaynay.com

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đức Chính.

Biên soạn các bài toán hóa học hữu cơ có phương pháp giải nhanh để làm câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn – Tạp chí hóa học và ứng dụng số 10/2006.

2. Nguyễn Cương – Nguyễn Mạnh Dung – Nguyễn Thị Sửu.

Phương pháp dạy học hóa học. NXBGD 2000.

3. Lê Văn Dũng.

Phát triển năng lực nhận thức, năng lực tư duy cho học sinh trung học phổ thông thông qua bài tập hóa học – Luận văn thạc sĩ khoa học 2001.

4. Phan Văn Kim Đồng.

Phương pháp tạo ra bài tập mới dựa vào một số bài tập có sẵn – Tạp chí hóa học và ứng dụng số 11/2005.

5. . Nguyễn Thanh Khuyến.

Phương pháp giải tập Hoá Học Hữu Cơ. NXBĐHQG 2001.

6. PGS – TS. Nguyễn Xuân Trường.

Sử dụng bài tập trong dạy học hóa học ở trường phổ thông. NXBĐHSP 2006

7. PGS – TS. Nguyễn Xuân Trường.

Giải bài tập hóa học bằng nhiều cách một biện pháp nhằm phát triển tư duy – Tạp chí hóa học và ứng dụng số 12/2005.

8. Vũ Anh Tuấn.

Xây dựng hệ thống bài tập hóa học nhằm phát triển tư duy trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi hóa học trường trung học phổ thông –  Luận án tiến sĩ khoa học giáo dục 2006.

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *