Cloroform là một hợp chất thuộc nhóm các hợp chất halogen hóa, trong đó bao gồm cả tricloroethylen và percloroethylen, chúng được sử dụng làm dung môi công nghiệp trong sản xuất và giặt khô
Ở nồng độ cao, những hợp chất này có thể gây ung thư cho con người. Nhưng các cơ quan y tế lo ngại rằng, nồng độ cloroform trong nước ngầm thấp cũng vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, vì các dung môi công nghiệp khác, các chất làm lạnh và các chất gây ô nhiễm khác có thể cũng có nồng độ ở khoảng đó. Vì vậy, một số nước đưa ra giới hạn nồng độ cloroform trong nước ngầm sử dụng làm nước sinh hoạt rất thấp, chỉ khoảng 1 µg/L.
Tuy nhiên, trong thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng các quá trình tự nhiên, chẳng hạn quá trình trao đổi chất giữa các loài nấm sống trong đất cũng tạo ra cloroform. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Đan Mạch, nếu xác định được rằng nguồn phát sinh cloroform là nguồn tự nhiên thì người dân có thể tiếp tục sử dụng nước ngầm làm nước sinh hoạt, ngay cả khi nồng độ của nó vượt quá giới hạn quy định vài µg/L.
Theo các nhà khoa học Đan Mạch, các loài nấm sống trong đất có thể là nguồn sinh ra cloroform trong những mạch nước ngầm nguyên thủy tại các khu rằng phía Bắc Đan Mạch. Họ cho rằng cloroform phát sinh từ các nguồn tự nhiên và nhân tạo hơi khác nhau: Vi khuẩn sử dụng nhiều đồng vị cacbon nhẹ (12C) để tạo ra hợp chất này; trong khi đó các quá trình công nghiệp phát thải cloroform từ metan, chứa nhiều đồng vị cacbon nặng hơn (13C).
3 đồng vị Carbon 12,13 và 14
Để tận dụng sự khác nhau về đồng vị trên, các nhà nghiên cứu Đan Mạch cùng với các nhà khoa học tại Đại học Neuchatel (Thụy Sỹ) đã sử dụng một phương pháp có độ nhạy cao, kết hợp giữa sắc ký khí và phân tích phổ khối dựa trên tỷ lệ đồng vị để xác định hàm lượng các đồng vị cacbon trong mẫu pha loãng. Họ đã theo dõi các đồng vị cacbon trong các mẫu thu thập từ những giếng nước ở các địa điểm tương đối nguyên sơ như các vùng ven rừng, và trong những khu vực chịu nhiều tác động của con người như các bãi rác trong thành phố.
Carbon-12, hay còn gọi là Carbon nhẹ
Nhóm nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ các đồng vị 12C và 13C trong các mẫu nói trên với tỷ lệ đó trong cloroform thương mại và trong cacbon hữu cơ lấy từ đất rừng. Kết quả cho thấy, cloroform phát thải từ công nghiệp và cloroform trong nước của các khu đô thị có những giá trị tương tự nhau, từ đó có thể suy ra ban đầu là cloroform trong nước ngầm phát sinh từ các nguồn công nghiệp. Nhưng mẫu nước ngầm trong rừng chứa cloroform có tỷ lệ đồng vị cacbon gần hơn với tỷ lệ đồng vị cacbon của mẫu cacbon hữu cơ trong đất. Vì vậy, nhóm nghiên cứu kết luận rằng, nguồn chủ yếu phát thải cloroform là từ cacbon của đất, không phải do ô nhiễm nhân tạo.
Kết quả của nghiên cứu nêu trên đã có những tác động đối với các cơ quan lập pháp: Khi biết những kết quả nói trên, chính phủ Đan Mạch đã tăng giới hạn cloroform trong nước ngầm sử dụng làm nước uống lên 10 µg/L tại những nơi mà kết quả khảo sát cho thấy chỉ có các nguồn cloroform tự nhiên.
Theo các nhà khoa học khác, xác định đồng vị cacbon là cách duy nhất để phân biệt xem cloroform được tạo ra từ nguồn tự nhiên hay nhân tạo. Tuy phương pháp này tốn kém và mất nhiều thời gian, nhưng nó có thể giúp xác định nguồn phát sinh cloroform tại những địa điểm cần tiến hành khử độc các chất ô nhiễm.
Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info
Nguồn: Báo Công nghiệp Hóa chất