(Hóa học ngày nay-H2N2)-Tập đoàn Messer mới đây đã ký hợp đồng để bảo đảm sự tiếp cận nguồn nguyên liệu CO2 tại tỉnh Bình Phước.
>> Công nghệ mới thu CO2 từ ống khói
>> Lần đầu tiên Đức lưu trữ CO2 vào lòng đất
Messer sẽ nhận được 200 tấn nguyên liệu CO2 mỗi ngày, đây là sản phẩm phụ của nhà máy bioetanol tại Bù Đăng, Bình Phước. Đơn vị vận hành nhà máy là Công ty Nhiên liệu sinh học Phương Đông, Công ty này đã khởi công xây dựng nhà máy bioetanol trị giá 80 triệu USD vào tháng 3/2010. Messer sẽ xây dựng nhà máy hóa lỏng CO2 với công suất ban đầu 70 tấn/ ngày, dự kiến về sau sẽ mở rộng lên 200 tấn/ ngày. Nhà máy hóa lỏng CO2 sẽ do một công ty chuyên về CO2 thuộc Tập đoàn Messer xây dựng và cung cấp thiết bị.
Dự án đầu tư nhà máy CO2 là sự mở rộng tiếp các hoạt động của Messer tại Việt Nam và sẽ tạo cho các nhà đầu tư tiềm năng tại Việt Nam khả năng tiếp cận để bảo đảm nguồn cung CO2 dài hạn.
Việc xây dựng Nhà máy bioetanol tại Bình Phước là một phần trong chương trình phát triển nhiên liệu sinh học đã được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn tháng 11/2007. Nhà máy nhiên liệu sinh học này sẽ được hoàn thành trong 21 tháng tới và sẽ có nhu cầu nguyên liệu 240.000 tấn bột sắn/ năm để sản xuất 100 triệu lít bioetanol. Bioetanol này sẽ được phối trộn với các sản phẩm dầu mỏ từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và bán trên thị trường trong nước để phục vụ việc cung ứng nhiên liệu cho nền kinh tế trong nước những năm tới.
Messer là Tập đoàn chuyên về sản xuất khí công nghiệp, hiện đã có một số nhà máy hoạt động tại châu Âu và châu Á, trong đó nhà máy hóa lỏng CO2 tại Bỉ với công suất 150.000 tấn/ năm là nhà máy lớn nhất của Tập đoàn. Tại nhà máy này, Messer thu hồi khoảng 20 tấn CO2/ giờ từ khí thải công nghiệp để tái sử dụng. CO2 này được cung ứng chủ yếu ở dạng axit cacbonic, đá khô hoặc CO2 khí và lỏng cho các cơ sở chế biến thực phẩm và đồ uống cũng như các cơ sở trong ngành xử lý nước.
Ngoài lợi ích kinh tế, việc thu hồi và tái sử dụng CO2 cũng góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính.