Thị trường NaOH thế giới hiện nay và triển vọng trong những năm tới

QUẢNG CÁO

Thị trường NaOH toàn cầu đã đạt khối lượng 75,9 triệu tấn năm 2018. NaOH được sử dụng làm nguyên liệu trong nhiều lĩnh vực như sản xuất hóa chất, sản xuất alumin, sản xuất giấy, chất giặt rửa, xử lý nước, chế biến thực phẩm và đồ uống. NaOH được sử dụng với lượng lớn trong sản xuất alumin từ quặng nhôm và qua đó sản xuất nhôm. Nhờ khả năng sẵn có và giá rẻ hơn so với các chất thay thế khác, NaOH là một trong những hóa chất được ưu tiên sử dụng để kiểm soát độ axit và loại bỏ kim loại nặng ra khỏi nước. NaOH cũng được sử dụng trong sản xuất giấy để giúp hòa tan các hợp chất không mong muốn trong bột gỗ. Tương tự, hóa chất này hỗ trợ tách mực ra khỏi sợi giấy trong quá trình tái chế giấy.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện chiếm hơn một nửa (55%) sản lượng NaOH toàn cầu, thị phần của khu vực được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Trong khi đó, thị phần của châu Âu và Bắc Mỹ tương đương nhau, mỗi khu vực chiếm 20% sản lượng NaOH toàn cầu.

Cơ cấu nhu cầu NaOH trên thế giới ngày nay đang thay đổi: Nhu cầu tại châu Á, châu Mỹ La tinh và Trung Đông đang có xu hướng gia tăng, nhưng nhu cầu tại Tây Âu và Bắc Mỹ giảm.

Theo dự báo của Công ty phân tích tài chính Mordor Intelligence, thị trường NaOH toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,85%/năm trong thời gian 2019-2024.

Một trong những động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường NaOH ngày nay là nhu cầu nhôm ngày càng tăng trong sản xuất các loại xe trọng lượng nhẹ đang dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ NaOH cho sản xuất nhôm. Tuy nhiên, việc sử dụng điện cực oxy hóa khử thay cho điện cực truyền thống có khả năng sẽ giúp tiết kiệm 30-35% tiêu thụ điện trong quá trình điện phân sản xuất nhôm, vì vậy sẽ hạn chế sự tăng trưởng của sản xuất alumin và qua đó là thị trường NaOH.

Tương tự, nhu cầu ngày càng tăng đối với NaOH trong các lĩnh vực khác như sản xuất giấy và bột giấy, sản xuất vải dệt, hóa chất công nghiệp,… sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường NaOH.

Thị trường NaOH các khu vực

Thị trường châu Á

Cung cầu NaOH tại châu Á hiện nay đang dư thừa khi các nhà sản xuất Trung Quốc quay trở lại thị trường giao ngay, làm gia tăng nguồn cung trong khu vực. Nguyên nhân của hiện tượng này là nhu cầu cuối dòng yếu ở Trung Quốc trước những lo ngại về an toàn sau một loạt các vụ nổ nhà máy hóa chất dẫn đến tử vong tại tỉnh Giang Tô trong tháng 3/2019.

Tháng 5/2019, một nhà máy tinh chế alumin quan trọng tại tỉnh Thiểm Tây đã phải ngừng vận hành do sự cố tràn đổ bùn đỏ. Tuy một nhà máy alumin mới đã được đưa vào vận hành tại tỉnh Sơn Đông, nhưng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các quy định chặt chẽ về an toàn tại đây đã ngăn cản các công ty mở rộng sản xuất.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ NaOH lớn nhất thế giới. Với diện tích đất rừng lớn và đang được mở rộng nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ, Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất thế giới. Cùng với sự phát triển của ngành sản xuất giấy và sự gia tăng nhu cầu trong các lĩnh vực khác, tiêu thụ NaOH tại Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Thị trường châu Âu

Về ngắn hạn, thị trường NaOH châu Âu đang dao động theo xu hướng từ cung cầu cân bằng cho đến cung cầu sít sao, cùng hướng với thị trường NaOH toàn cầu.

Nhưng vào quý I/2019, các vấn đề cuối dòng tại Trung Quốc đã làm cho tình hình nhu cầu trở nên phức tạp.

Giá NaOH trên thị trường châu Á đã có xu hướng ổn định trong bối cảnh nguồn cung ở Mỹ bị thắt chặt sau các đợt ngừng sản xuất tại Công ty Braskem (Braxin) khiến cho giá NaOH trên thị trường Nam Mỹ tăng cao.

Trong khi đó, các lo ngại về môi trường đã dẫn đến việc giảm sản lượng alumin tháng 5/2019 tại Trung Quốc. Sự sụt giảm nhu cầu tại Trung Quốc đã báo hiệu xu hướng dư thừa nguồn cung trên thị trường NaOH trong thời gian tới.

Xuất khẩu NaOH của châu Âu cũng bị hạn chế do nhiều đợt đóng cửa các nhà máy tại vùng tây bắc châu Âu.

Nguồn cung dồi dào và xu hướng giá thấp trên thị trường toàn cầu là yếu tố quan trọng khiến cho giá NaOH tại châu Âu giảm trong quý II/2019.

Giá xuất khẩu NaOH đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019. Giá FOB trung bình tại khu vực Địa Trung Hải đã giảm 29% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2019, trong khi đó giá FOB khu vực tây bắc châu Âu giảm gần 39%.

Trong quý I/2019, tỷ lệ vận hành công suất tại các nhà sản xuất clo/NaOH châu Âu đạt trung bình 89%, đây là mức cao nhất đã ghi nhận được từ năm 2006. Tuy nhiên, sản lượng clo trung bình trong quý I/2019 chỉ cao hơn 2,5% so với thời kỳ 2009-2017 do sự sụt giảm mạnh công suất clo châu Âu sau năm 2017.

Thị trường Mỹ

Dự trữ nguồn cung NaOH lỏng tại Mỹ đã lên đến 9 tháng. Tình trạng gia tăng nguồn cung tại đây đã bắt đầu sau khi nhà máy alumin lớn nhất ở bên ngoài Trung Quốc – quốc gia mua NaOH nhiều nhất từ Mỹ – đã cắt giảm một nửa công suất. Việc này đã khiến cho khoảng 25.000 tấn NaOH bị ứ đọng trong tháng 3. Đến tháng 6/2019, hàng tồn kho đã tiếp tục tích tụ, dẫn đến giảm giá mua bán NaOH theo hợp đồng.

Nhu cầu NaOH tại Mỹ đã duy trì ổn định cho đến đầu quý II/2019. Sau đó, nhà máy xút-clo Braskem tại Braxin đã bị chính phủ đóng cửa vì các lý do bảo vệ môi trường. Mặt khác, một nhà máy alumin bị hạn chế vận hành trong thời gian dài đã trở về với chế độ vận hành hết công suất, khiến cho nhu cầu xuất khẩu NaOH tại Vùng duyên hải Vịnh Mêhicô của Mỹ tăng thêm 35.000 tấn/tháng, nhờ vậy đã giúp giảm hàng tồn kho tại Mỹ. Nhu cầu NaOH nội địa của Mỹ vẫn ổn định, các công ty trong nước cho rằng nhu cầu này sẽ tiếp tục ổn định và mạnh trong quý II.

Thị trường châu Mỹ La tinh

Nguồn cung NaOH tại châu Mỹ La tinh trong quý II/2019 khá dồi dào, nhưng sau đó đã bị thắt chặt khi Công ty Braskem ngừng hoạt động khai thác muối ở Mỏ Alagoas vì sự cố sụt lún. Hậu quả là Braskem đã phải đóng cửa cơ sở sản xuất NaOH của chính mình ở Maceio. Vì vậy, Braxin đã phải nhập khẩu NaOH từ Peru, Achentina, Mỹ và thậm chí từ Arập Xê-út. Trong khi đó, nhà máy tinh chế alumin tại Aluorte đã tăng tỷ lệ vận hành công suất, dự kiến đạt 85% vào tháng 7/2019.

Nhu cầu NaOH quý II/2019 tại châu Mỹ La tinh đã bắt đầu khá yếu trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, nhưng đã tăng trở lại vào giữa tháng 5. Nguyên nhân của sự gia tăng này là tình trạng thiếu hụt nước muối và NaOH khi Công ty Braskem ngừng khai thác muối ở Mỏ Alagoas. Sự việc này đã gây rối loạn sản xuất trong chuỗi cung ứng xút-clo, buộc các công ty phải mua sản phẩm từ các nước láng giềng. Sau đó, hai lệnh ngừng sản xuất của chính phủ đối với nhà máy tinh chế alumin ở aluorte đã được gỡ bỏ, cho phép tăng sản xuất alumin và tăng tiêu thụ NaOH.

Triển vọng tương lai

Theo báo cáo mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Market Reasearch Future, thị trường NaOH toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 56,7 tỷ USD vào cuối năm 2027, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 5,92%/ năm trong thời gian từ nay cho đến năm 2028.

Trong khi đó, công suất NaOH toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian 2018-2023, đạt trên 95 triệu tấn vào năm 2023.

Hơn 41 nhà máy NaOH đã công bố và đã được lập kế hoạch xây dựng sẽ đi vào vận hành trong 5 năm tới, đặc biệt là tại châu á và châu Âu.

Những công ty sẽ mở rộng công suất nhiều nhất trong thời gian tới là Zhongtai Chemical tại Tân Cương (Trung Quốc), Shin-Etsu Chemical (Nhật Bản) và China National Salt (Trung Quốc).

Tiêu đề gốc đã được chỉnh sửa để phù hợp, theo số liệu bài viết đây là thông tin về thị trường NaOH, không phải là sôđa như tiêu đề bài viết gốc.

Hoahocngaynay.com/Hoahoc.info

Nguồn: Vinachem

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *