Thị trường phân bón đang hỗn loạn

QUẢNG CÁO

Liên tục tăng nóng, thị trường phân bón đang có dấu hiệu hỗn loạn, mất kiểm soát, thậm chí là trục lợi ở một loại phân bón quan trọng.

Thị trường phân bón đang hỗn loạn

Giá urea đang tăng nóng, được cho là có nguyên nhân từ sự khan hiếm giả tạo. Ảnh: TL.

Urea đang khan hiếm giả tạo?

Theo thông tin từ một số thương nhân ngành phân bón, việc tăng nóng về giá phân urea bán lẻ trong những ngày qua, có thể có nguyên nhân từ sự khan hiếm giả tạo. Bởi trong thời gian gần đây, các công ty sản xuất urea trong nước đã hạn chế, thậm chí tạm ngưng xuất khẩu phân bón, cộng với nguồn phân urea liên tục sản xuất ra, thì nguồn cung là không thiếu so với nhu cầu.

Tuy nhiên, trong kho của các nhà máy hiện còn một lượng phân urea khá lớn đã bán cho các đại lý cấp 1, nhưng nhiều đại lý vẫn chưa lấy hàng. Một nguồn tin trong ngành phân bón cho hay, chỉ riêng trong kho của 1 nhà máy, hiện còn tới khoảng 70.000-80.000 tấn urea đã bán cho đại lý cấp 1.

Vì sao giá phân urea trên thị trường đang tăng nóng, các tỉnh ĐBSCL đang xuống giống vụ đông xuân, các tỉnh miền Bắc cũng chuẩn bị vào vụ, mà nhiều đại lý cấp 1 vẫn chưa lấy phân urea đã mua của nhà máy để đưa vào lưu thông trên thị trường?

Phải chăng việc nhiều đại lý cố tình để hàng trong kho nhà máy là nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá urea bán lẻ lên cao. Thực tế cho thấy giá urea mà nhà máy bán cho đại lý cấp 1 hiện chưa tới 13.000 đồng/kg (tính đến ngày 11/10), nhưng giá urea bán lẻ ở một số nơi đã chạm mốc 16.000 đồng/kg.

Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu phân bón?

Khác với urea, thị trường kali và DAP trong nước vẫn cần tới nguồn nhập khẩu. Trong đó, kali phụ thuộc vào nhập khẩu tới 100%.

Giá kali trong những ngày qua đang liên tục tăng một cách chóng mặt. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Mới đây, giá kali bột được chào tới khu vực Đông Nam Á là trên 600 USD/tấn. Nếu cộng thêm các chi phí, thì giá vốn khi về tới Việt Nam đã ở mức 14.500 đồng/kg. Kali miểng cũng được chào giá ở mức cao là hơn 700 USD/tấn, cộng chi phí thì giá vốn vào khoảng 16.000 đồng/kg.

Các nhà máy DAP trong nước mỗi năm đã sản xuất được một khối lượng không nhỏ loại phân bón này. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất phân NPK và sử dụng DAP bón trực tiếp cho cây trồng của nông dân, mỗi năm nước ta vẫn phải nhập hàng trăm ngàn tấn DAP từ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu phân bón từ ngày 15 tháng 10, theo một thông báo chính thức được công bố hôm nay.

Theo đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CGAC) đã liệt kê danh mục 29 loại mặt hàng phân bón xuất khẩu sẽ nằm trong phạm vi bị kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.

Cụ thể 29 loại phân bón này bao gồm nhưng không giới hạn là phân urê, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, amoni clorua và amoni nitrat…

Riêng amoni sunfat, sản phẩm phân bón mà Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, với khoảng 8,7 triệu tấn được xuất khẩu vào năm 2020, không có trong danh sách.

Tuy nhiên không rõ việc kiểm soát sẽ được tiến hành như thế nào.

Thông báo mới vừa được đưa ra sau khi có thông tin vào ngày hôm 12/10 rằng một số cảng ở Trung Quốc có khả năng sẽ tạm ngừng vận chuyển phân urê và các loại phân bón khác để xuất khẩu.

Thị trường phân bón đang hỗn loạn

Trung Quốc đang xem xét có thể tạm dừng xuất khẩu phân bón. Ảnh: TL.

Trong 2 tuần trở lại đây, hầu như không có bảng chào giá nào từ các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón ở Trung Quốc gửi tới các khách hàng Việt Nam. Nếu có thì chỉ là những lô hàng nhỏ lẻ với giá rất cao. Chẳng hạn, giá DAP 64% về tới Lào Cai (Việt Nam) là 800 USD/tấn (cộng các chi phí khác, giá vốn vào khoảng 21.000 đồng/kg); DAP 60% là 760 USD/tấn.

Các cảng lớn về xuất khẩu phân bón ở Trung Quốc cũng đã có những động thái cho việc tạm ngừng xuất khẩu phân bón trong thời gian tới. Chẳng hạn, cảng Qinhuangdao đã dừng tiếp nhận mặt hàng phân bón. Cảng vụ cảng Huanghua đã thông báo tới các thương nhân xuất khẩu phân bón Trung Quốc rằng sau khi xong các lô hàng hiện tại sẽ từ chối nhận bất kỳ lô phân bón nào tiếp theo. Cảng Tianjin cũng sẽ dừng nhận phân bón sau xếp xong hàng urea vào cuối tháng này…

Trong khi đó, do khó khăn về nguồn quặng Apatit, giá DAP cung cấp tới đại lý cấp 1 của một công ty trong nước đã lên ở mức 15.500 đồng/kg, mà nguồn cung khá hạn chế.

Cần giải pháp quyết liệt, đột phá

Trước những thực trạng như trên, để ổn định nguồn cung, tiến tới hạ nhiệt thị trường phân bón, một số thương nhân ngành phân bón cho rằng các bộ, ngành liên quan cần sớm vào cuộc và có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá.

Theo đó, với phân urea, cần tiến hành kiểm tra ngay có hay không việc nhiều đại lý cấp 1 đang cố tình chậm đưa hàng ra thị trường nhằm tạo sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá lên cao.

Với kali, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trên toàn thế giới và giá vẫn đang có xu hướng tăng lên, cần có chính sách hỗ trợ các nhà doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu, dự trữ trong nước và bình ổn giá bán ra thị trường trong một thời gian nhất định để không gây khó khăn cho sản xuất của nông dân.

Với DAP, trong bối cảnh nguồn cung nội địa và nhập khẩu đều đang rất hạn chế, một lần nữa ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam lại đề nghị Bộ Công Thương xem xét tạm dừng việc thực thi thuế tự vệ trong một thời gian, nhằm góp phần hạ nhiệt giá DAP nhập khẩu hiện đã quá cao khi về tới Việt Nam.

Xem thêm: Sử dụng phân bón nitơ chính xác hơn để chống lại biến đổi khí hậu

Ông Hải cam kết nếu thuế tự vệ đối với DAP nhập khẩu được tạm dừng thực hiện, Vinacam sẽ giảm giá tương ứng (khoảng 1 triệu đồng/tấn) khi đưa DAP nhập khẩu ra thị trường.

Theo một doanh nhân ngành phân bón, việc giá các lại phân bón liên tục tăng cao, nhất là giá urea, đang gây mối lo ngại lớn cho nông dân sản xuất lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL. Bởi trong vụ đông xuân ở khu vực này, nông dân thường sử dụng nhiều urea, ít dùng kali, DAP.

Nếu nông dân sử dụng phân đơn, bình quân, mỗi ha dùng khoảng 200 kg urea. Trong vụ đông xuân 2020-2021, giá urea chỉ khoảng 6.600-6.700 đồng/kg, mỗi ha dùng phân đơn, nông dân chi ra 1,32-1,34 triệu đồng tiền phân urea. Nhưng vào thời điểm này, giá urea bán lẻ đã lên tới 16.000 đồng/kg, là mức giá cao hơn nhiều so với thời điểm sốt giá năm 2008. Mỗi ha dùng phân đơn, tiền phân urea đã lên tới 3,2 triệu đồng, tăng gấp khoảng 2,4 lần so với vụ đông xuân trước.

Các nhà khoa học từng khuyến cáo rằng, để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa, giá 1 kg urea tối đa chỉ nên tương đương với giá 2 kg lúa. Đầu tháng 10, giá lúa tươi tại ruộng ở mức bình quân trên 5.000 đồng/kg. Như vậy, giá phân urea hiện nay đang cao gấp 3 lần giá lúa. Với giá urea như vậy, không biết hiệu quả sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL trong vụ đông xuân 2021-2022 sẽ như thế nào?

Hoahocngaynay.com

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *