Nghiên cứu mới mở ra hướng đi mới để đưa cây bứa vào ứng dụng trong công nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng.
Việc chiết tách axit hydroxycitric từ một vài loài bứa và tính chất sinh học của nó đã gây chú ý đối với các nhà hoá sinh, các bác sĩ chuyên khoa sức khoẻ từ nhiều năm nay.
Sau 2 năm nghiên cứu, tiến sĩ Cường đã xây dựng thành công qui trình chiết tách axit hydroxycitric trong lá và vỏ quả bứa.
Sau khâu chiết tách, tiến sĩ Cường thử nghiệm sản phẩm với mẫu mì tôm. Kết quả cho thấy, thành phần và cấu trúc của axit hydroxycitric không thay đổi khi chế biến tinh chất được chiết ra với mì tôm nên hoàn toàn đảm bảo an toàn khi sử dụng trong thực phẩm.
Cây bứa có nhiều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Quả bứa có mùi hương dễ chịu, vị chua, nhiều axit, ăn sống được.
Ngoài ra, quả này cũng được dùng làm thuốc nhuộm với nhôm trong nhuộm tơ lụa, hoặc thuốc thú y để chữa bệnh ở mồm gia súc.
Quả bứa chín được bày bán nhiều tại các chợ miền Trung và Nam Bộ vào thời gian tháng 6 – 8 âm lịch, giá từ 50 – 70 ngàn đồng/kg.
Công trình “Nghiên cứu chiết tách và ứng dụng axit Hydroxycitric trong cây bứa” là đề tài KHCN trọng điểm cấp Bộ GD-ĐT, vừa được Hội đồng Khoa học ĐH Đà Nẵng đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.