Tìm hiểu về prebiotic

QUẢNG CÁO

Prebiotic là gì?

prebiotic1(Hóa học ngày nay-H2N2)-Prebiotic là nguồn thức ăn cho probiotic (vi sinh vật sống hữu ích trong đường ruột vật chủ). Nhờ có prebiotic mà vi sinh hữu ích có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, do đó cải thiện hệ tiêu hóa cho vật chủ. Prebiotic  chủ yếu là oligosaccharides. Các prebiotic được nghiên cứu nhiều nhất là Inulin/Fructo-oligosaccharides (FOS) và Galacto-oligosaccharides (GOS). Prebiotic có nhiều trong sữa mẹ (Sữa mẹ có 15-23g/l prebiotic trong sữa non và 8-12g/l prebiotic trong sữa thường). Những nguồn thức ăn có chứa prebiotic thường gặp là đậu nành, yến mạch thô, lúa mì nguyên cám và lúa mạch nguyên cám, hành, chuối, tỏi, a-ti-sô, nho…

GOS: là một prebiotic có nguồn gốc từ động vật. GOS được chiết xuất từ lactose có trong sữa bò, dê… Cấu trúc hóa học của GOS bao gồm galactose và lactose liên kết với nhau.

FOS: là một prebiotic có nguồn gốc từ thực vật. FOS hiện diện trong nhiều loại thực phẩm như măng tây, chuối, yến mạch, tỏi, atisô và rau diếp xoăn nhưng hàm lượng lại khá thấp. Cấu trúc hóa học của FOS bao gồm glucose và fructose liên kết với nhau. Tùy vào độ dài của mạch liên kết này mà FOS được chia thành 2 loại:

• FOS có cấu trúc mạch ngắn được gọi là oligofructose.
• FOS có cấu trúc mạch dài được gọi là inulin.

Prebiotic kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn hữu ích đã hiện diện trong đường ruột. Prebiotic ít bị tiêu hóa ở dạ dày và ruột non và trở thành nguồn thức ăn cho vi sinh vật có lợi của ruột già. Prebiotic còn có vai trò như một chất xơ trong tiêu hóa.

Tác động của prebiotic

Tích cực

– Tái tạo sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột (Chống tại các vi khuẩn gây bệnh): các vi khuẩn hữu ích sống trong đường ruột như bifidobacteria và lactobacilli có thể ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh như Escherichia coli, Campylobacter, và Salmonella spp. Nghiên cứu cho thấy thức ăn trẻ sơ sinh có bổ sung Galacto-oligosaccharides (GOS) và Fructo-oligosaccharides (FOS) làm tăng vi khuẩn bifidobacteria trong phân.

Mặt khác, prebiotic đóng vai trò như một cái bẫy đối với vi khuẩn gây hại. Nhiều vi khuẩn gây hại có cơ chế sử dụng thụ thể (receptor) oligosaccharide trong ruột để liên kết với bề mặt niêm mạc ruột và gây nên các bệnh về dạ dày. Các prebiotic có thể mô phỏng các thụ thể ở ruột và do đó, các vi khuẩn gây hại sẽ liên kết với prebiotic thay vì niêm mạc ruột. Điều này giải thích tại sao trẻ bú mẹ thường ít bị tiêu chảy hơn so với trẻ bú sữa (công thức sữa bột được pha trộn theo tỉ lệ nhất định để đạt được thành phần dinh dưỡng khá giống sữa mẹ). Trong sữa mẹ có chứa tới 130 loại oligosaccharides khác nhau.

– Giảm khả năng ung thư ruột kết (Colorectal cancer-CRC): nghiên cứu chế độ ăn uống của động vật thí nghiệm có bổ sung inulin hoặc oligofructose cho thấy các khối u giảm. Tuy nhiên, cơ chế chính xác tại sao các prebiotic này có thể giảm các khối u vẫn còn chưa rõ.

prebiotic0

– Giảm cholesterol trong máu: prebiotics có thể gián tiếp ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn axit lactic. Vi khuẩn này có thể làm giảm giảm mật độ cholesterol trong máu. Ngoài ra nghiên cứu trên chuột cho thấy những con chuột tiêu thụ FOS có mức cholesterol thấp hơn so với những con đối chứng.

– Tăng cường hấp thu khoáng chất: một số nghiên cứu  trên động vật cho thấy prebiotic giúp tăng hấp thu canxi tại ruột kết. Ở chuột, FOS tăng cường hấp thu canxi, magiê, sắt,  đồng và kích thích các vi khuẩn thủy phân acid phytic giúp nâng cao sự hấp thụ khoáng chất. Với GOS, quá trình hấp thu khoáng chất cũng tăng lên.

– Cải thiện bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease-IBD): chuột có chế độ ăn gồm oligosaccharides chiết xuất từ sữa dê có những cải thiện về triệu chứng bệnh so với chuột đối chứng. Inulin và oligofructose cũng được báo cáo là hiệu quả trong điều trị IBD.

– Giảm dị ứng: phản ứng dị ứng lần đầu tiên trong đời thường biểu hiện dưới hình thức viêm phong da (Atopic Dermatitis) ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh đã phát triển viêm phong da thường có nguy cơ cao bị dị ứng sau này. Prebiotics có hiệu quả tích cực làm giảm sự phát triển của viêm phong da ở trẻ sơ sinh.

Tiêu cực

Prebiotic chỉ tác động tích cực khi cơ thể đã có sẵn các vi sinh vật hữu ích, bản thân prebiotic không sản sinh ra các vi sinh vật này.  Các mặt hạn chế của prebiotic như sau:

– Tiêu thụ một lượng lớn (> 20g) inulin mỗi ngày có thể gây tình trạng nhuận tràng. Những người tham gia thử nghiệm sử dụng prebiotic đi vệ sinh thường xuyên hơn và phân nhiều hơn.

– Các loại đường có nguồn gốc từ FOS có thể kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn Klebsiella là một vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.

– Tiêu thụ prebiotic làm tăng vi khuẩn tạo khí gas trong hệ tiêu hóa, do đó các sản phẩm mới phát triển gần đây thường hướng tới việc đẩy mạnh sự phát triển của vi khuẩn không tạo khí.

prebiotic

– Prebiotic có tác dụng khác nhau lên các đối tượng khác nhau. Ví dụ FOS không ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi ở thanh niên nhưng lại kích thích sự hấp thu này ở thiếu niên.

Đa số sản phẩm có chứa prebiotic trên thị trường là sản phẩm sữa bao gồm sữa bột, sữa nước, sữa chua uống. Prebiotic còn hiện diện trong bánh kẹo, nước chấm, thức ăn dặm, súp… Ngoài ra, một số loại dược phẩm trên thị trường cũng có chứa prebiotic như Smecphap của Công ty CP dược phẩm Viễn Đông, Lacclean Gold Lab của Công ty CP dược phẩm Đông Phương, men vi sinh Supbikiz  của công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà …

Prebiotic có ích cho sức khỏe nhưng không phải là chất thiết yếu nên không có khái niệm “thiếu prebiotic” trong cơ thể.  Lưu ý, nếu dùng quá nhiều prebiotic có thể gây ra tiêu chảy. Chế độ ăn bình thường với đầy đủ chất dinh dưỡng đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ prebiotic.

Nguồn hoahocngaynay.com/Cesti

 

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *