Tổng hợp nguyên tố 119 trong bảng tuần hoàn

QUẢNG CÁO

(H2N2)-Các nhà vật lý tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, nơi trước đây 6 nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev ra đời, đã bắt đầu tổng hợp nguyên tố 119, giám đốc Phòng thí nghiệm hạt nhân Nga Serguei Dmitriev vừa tuyên bố với báo chí trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập viện.

Báo Pravda dẫn lời ông Dmitriev cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bắt tay vào những thí nghiệm đầu tiên của việc tổng hợp nguyên tố 119 trong Bảng tuần hoàn Mendeleev với sự hợp tác của các nhà khoa học Mỹ tại các phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge và Livermore”.

Tại Viện Dubna, các nhà vật lý ta đã thu được các nguyên tố siêu nặng trong Bảng tuần hoàn bằng cách bắn phá bia bằng “đạn” là hạt nhân nguyên tử chuyển động với tốc độ của ánh sáng trong máy gia tốc U-400. Nguyên tố 117 thu được khi bắn phá đich là Berkeley-249 bằng nhân nguyên tử Canxi-48. Nguyên tố này nằm trong chu kỳ 7. Còn nguyên tố tương lai mà họ nhắm tới sẽ nằm trong chu kỳ 8.

Ông Dmitriev lưu ý rằng, hiện nay khả năng dùng nhân nguyên tử Canxi-48 để tổng hợp nguyên tố mới đã cạn kiệt và phải tìm các “đạn” khác. Ông tiết lộ: “Chúng tôi cho rằng nguyên tố 118 không phải nguyên tố cuối cùng”.

Trên Trái đất, người ta không gặp những nguyên tố nặng hơn uran có số thứ tự từ 92 trở lên trong bảng tuần hoàn Mendeleev vì chúng là những nguyên tố phóng xạ và hạt nhân của chúng đã bị phân huỷ trong hơn 4 tỷ năm tồn tại của Trái đất. Tất cả những nguyên tố nặng hơn uran đều được tổng hợp trong những lò phản ứng hạt nhân đặc biệt và những máy gia tốc theo cách các hạt nhân của những nguyên tố khác nhau va chạm với nhau. Vào giữa thế kỷ trước, các nhà vật lý thế giới đã bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm các nguyên tố siêu nặng gọi là “các nguyên tố trong đảo bền”.

Hạt nhân của tất cả các nguyên tố siêu nặng đều rất không bền và bị phân huỷ thành những hạt nhân và những hạt nhỏ hơn trong thời gian chỉ là một phần của giây. Vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, các nhà vật lý đã đưa ra lý thuyết rằng, hạt nhân của một số nguyên tố siêu nặng có thể có những cấu hình đặc biệt, cho phép chúng tồn tại hàng phút, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng. Một số các nhà khoa học còn cho rằng các nguyên tố siêu nặng thậm chí có thể bền trong hàng triệu năm.  

  • Tuấn Hà

Nguồn Vietnamnet

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Bình luận