TPHCM xử lý chất thải rắn vẫn chưa triệt để

QUẢNG CÁO

xu_ly_chat_thaiTheo thống kê của Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp miền Nam, lượng chất thải nguy hại phát sinh hàng năm lên đến hơn 156.000 tấn; trong đó, chất thải nguy hại y tế từ các bệnh viện, cơ sở y tế chiếm 51.000 tấn, chất thải công nghiệp nguy hại chiếm 80.000 tấn. Các hoạt động nông nghiệp mỗi năm phát sinh khoảng 8.600 tấn các chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật độc hại và các loại bao bì, thùng chứa thuốc trừ sâu. Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại và y tế hiện nay chủ yếu là công nghệ đốt, hóa rắn, tái chế một phần và chôn lấp an toàn, và chỉ 10% lượng rác thải này được xử lý triệt để.

* Còn bỏ ngỏ việc xử lý

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp miền Nam, môi trường nước ta nói chung và môi trường khu vực miền Nam nói riêng vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh, có nơi đã đến lúc báo động, đất đai bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh. Ở nhiều đô thị, khu dân cư, không khí bị ô nhiễm nặng, khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng, điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch không bảo đảm, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số đã gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là ở các đô thị.

Mặt khác, công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Lượng chất thải rắn thu gom chỉ mới đạt khoảng 70% và chủ yếu tập trung ở nội thị, công nghệ xử lý chất thải rắn chưa được chú trọng nghiên cứu và chưa hoàn thiện, còn phân tán, khép kín theo địa giới hành chính, việc đầu tư quản lý còn kém hiệu quả.

Các công nghệ xử lý rác thải hiện có của cả nước nói chung và miền Nam nói riêng, phần lớn chưa thật sự hiện đại, sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại chất thải nguy hại và thường ở quy mô nhỏ, chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Các đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại hầu hết là những công ty công ích tại địa phương hoặc các đơn vị tư nhân nên quy mô đầu tư công nghệ không đồng đều dẫn đến việc cạnh tranh chưa thực sự công bằng. Các đơn vị cạnh tranh giành giật thị trường bằng mọi giá, điều này có thể dẫn đến việc xử lý không tuân thủ theo đúng giấy phép hành nghề quy định, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, một số đơn vị tiến hành xử lý chỉ mang tính chất đối phó. Đồng thời xuất hiện xu hướng chuyển mã bùn thải từ nguy hại thành không nguy hại của các chủ nguồn thải nhằm giảm nhẹ chi phí xử lý.

Phó GS.TS Lê Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Môi trường tài nguyên (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, số lượng chất thải nguy hại được thu gom và được các đơn vị xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu về xử lý chất thải nguy hại tại Việt Nam. Công nghệ xử lý không đồng bộ, một số chất thải chỉ áp dụng công nghệ tiền xử lý, xử lý sơ bộ, chưa triệt để.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Dương, tại khu vực tỉnh Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp phát sinh cả chất thải rắn công nghiệp nguy hại (khoảng 7.400 tấn/ngày) đó là chưa kể đến chất thải rắn không nguy hại và chất thải rắn y tế. Tuy nhiên, tình hình thu gom chất thải rắn công nghiệp chưa được hoàn thiện, gây không ít khó khăn cho các nhà hoạch định chiến lược thu gom và xử lý chất thải rắn. Việc thu gom chất thải rắn công nghiệp do các cơ sở thu gom và tái chế tự liên hệ thu gom nhưng lại thường xuyên thay đổi đơn vị thu gom nên hầu như không đăng kí kinh doanh phế liệu và phát sinh tự phát, hoạt động này còn nhiều bất cập, nhà nước chưa quản lý được toàn bộ. Với chất thải rắn y tế, cả tỉnh có 13/17 đơn vị giao chất thải y tế nguy hại cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý bên ngoài. Tuy nhiên, tất cả đều không thực hiện theo chứng từ chất thải nguy hại được quy định, có nguyên nhân do các bệnh viện chưa nhận thức được việc chuyển giao các chất thải y tế phải thông qua chứng từ hoặc chưa được hướng dẫn cách sử dụng chứng từ.

* Giải pháp nào để xử lý chất thải rắn nguy hại

Trước việc phát sinh chất thải rắn từ các khu công nghiệp và đô thị hiện nay, ông Huỳnh Minh Nhựt đề xuất việc chuẩn hóa công nghệ xử lý chất thải nguy hại hiện nay nhằm nâng cao việc xử lý đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hành nghề quản lý chất thải nguy hại, đặc biệt là các đơn vị xử lý nhóm bùn thải. Phía cơ quan quản lý xây dựng khung pháp lý từng bước quy định giá sàn xử lý các nhóm chất thải nguy hại nhằm đảm bảo buộc các đơn vị hành nghề phải xử lý triệt để lượng chất thải, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.

Mặt khác, việc xử lý rác thải trước hết phải qua phân loại, sau đó mới đến khâu xử lý. Hiện nay cũng đã phát triển phương pháp xử lý mới bằng công nghệ sinh – cơ học (MBT). Theo TS Lê Hùng Anh, Trưởng Bộ môn Công nghệ Môi trường, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, công nghệ MBT tiến hành theo các công đoạn thu hồi các thành phần có thể tái chế từ dòng rác thải (nilon, nhựa, giấy, bìa, kim loại, thủy tinh…), tận dụng phần hữu cơ cao trong rác thải qua quá trình xử lý sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ (compost) hoặc khí sinh học (biogas) và hạn chế phần rác đem đi chôn lấp. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như lượng rác thải đem đi chôn lấp dưới 10%, hoạt tính sinh học của phần rác thải đem đi chôn lấp rất thấp, không còn nguy cơ sinh khí gây mùi hôi và sinh khí mê tan. Hiệu quả thu hồi cao, sản xuất được nhiên liệu đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch, rác đã được làm khô nên quá trình cơ học thuận lợi, tự động hóa cao, ít phát sinh mùi. Nguồn thu chính của nhà máy ngoài phí xử lý rác là kim loại, vật liệu đốt thay thế, một số nguyên liệu tái chế khác. Hoạt động của công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường.

Theo Phó GS.TS Lê Thanh Hải, dự báo đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh lên đến 35 triệu tấn, một con số cần một hệ thống thu gom và xử lý lớn, triệt để nhằm bảo vệ môi trường sống của con người. Vì vậy, khi xử lý chất thải rắn nguy hại lẫn không nguy hại, cơ sở xử lý phải có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật thay thế khi cần thiết để đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra, đặc biệt là đối với các khía cạnh môi trường liên quan đến khu xử lý rác. Trong đó ưu tiên đối với công nghệ tái chế, công nghệ xử lý được chọn phải đảm bảo tính thích hợp và chắc chắn với diễn biến thành phần và tính chất rác thải, trong bất kì điều kiện khí hậu, thời tiết hay các chế độ thủy văn nào của khu vực xử lý rác, đảm bảo an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, tác hại đối với sức khỏe con người.

Hoahocngaynay.com

Nguồn Baotintuc.vn

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *