An toàn thực phẩm bao gồm an toàn trong mua bán, lưu trữ, sơ chế thực phẩm nhằm ngăn ngừa việc nhiễm khuẩn và đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Thức ăn, nước uống được coi là không an toàn nếu bị nhiễm bụi bẩn hay vi khuẩn, bị ôi thiu và có khả năng dẫn đến các bệnh như tiêu chảy, viêm màng não v.v…
Những căn bệnh kể trên có thể trở nên rất nặng và dẫn đến chết người. Khi cơ thể bị mắc bệnh, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung vào làm việc và học tập. Một số bệnh còn khiến người bệnh không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thực phẩm không an toàn hay ôi thiu bị giảm chất lượng, mất đi các dưỡng chất vốn có và do đó không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để phát triển cơ thể khỏe mạnh. Tức là, thực phẩm kém an toàn sẽ dẫn tới thiếu dinh dưỡng.
An toàn thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng
Mỗi người cần hiểu được tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, thức uống trong việc đảm bảo dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật.
– Có những biện pháp nào để đảm bảo nguồn nước sạch?
– Sử dụng các nguồn nước riêng biệt với gia súc, tránh phân và rác thải của con người và gia súc làm nhiễm bẩn nguồn nước uống.
– Có những biện pháp nào để bảo quản thức ăn?
– Chôn hoặc vứt rác thải sinh hoạt đúng vị trí (thức ăn thối rữa thu hút ruồi muỗi, vốn là loài động vật trung gian truyền bệnh). Sử dụng hố xí ngầm, vệ sinh sạch sẽ trước khi vắt sữa, bảo quản sữa đúng tiêu chuẩn.
– Làm thế nào để tránh mua phải thực phẩm cũ?
– Kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm; lựa chọn các loại thực phẩm còn tươi mới.
– Tại sao chúng ta nên nấu hay hâm nóng thức ăn?
– Vì nhiệt độ cao trong quá trình đun nấu sẽ tiêu diệt vi khuẩn.
Bảo quản vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm. Các loại vi khuẩn này không chỉ gây bệnh cho con người mà còn phá hủy các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Những điều cần ghi nhớ
– Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, thay tã trẻ em hay tiếp xúc với động vật. Không quên rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm.
– Rửa rau củ quả bằng nước sạch trước khi ăn hay nấu nướng. Tốt nhất là rửa sạch bằng nước muối .
– Vệ sinh vú bò, dê trước khi vắt sữa.
– Lựa chọn rau củ còn tươi.
– Đun nước, sữa ít nhất 5 phút. (Đặt trong nồi 1 chai thủy tinh nhỏ hay 1 cái đĩa nhỏ sẽ đảm bảo sữa không bị sôi quá).
– Không ăn trứng có vết nứt trên vỏ. Lau sạch vỏ trứng bằng khăn mềm sạch, nấu kĩ (không ăn sống hay trứng lòng đào).
– Tránh sử dụng thực phẩm cũ. Kiểm tra hạn dùng trước khi mua.
– Nấu chín hoặc hâm lại đầy đủ, nhưng tránh nấu quá chín vì sẽ làm hỏng các chất dinh dưỡng. Cũng không nên nấu với quá nhiều nước, vì các dưỡng chất sẽ bị hòa bớt vào nước.
– Bảo quản thực phẩm chín và sống riêng biệt, đảm bảo vi khuẩn không truyền từ loại này sang loại khác.
– Nếu không có tủ lạnh, chỉ giữ thức ăn đã nấu một vài giờ đồng hồ sau khi nấu trong điều kiện mát mẻ. Trong thời tiết nóng bức, nên ăn càng sớm càng tốt. Để tránh lãng phí, nên nấu từng lượng thức ăn nhỏ, tránh để lại quá lâu hay vứt bỏ.
– Chỉ giữ thức ăn ấm nếu cần thiết, nếu không nên để nguội càng nhanh càng tốt. Nhiệt độ cao sẽ giúp cho vi khuẩn sinh sôi.
– Với tủ lạnh, tránh để thức ăn nấu chín hay thịt sống quá 24 giờ, trừ khi để ngăn đá.
Thực phẩm nên được bảo quản trong các đồ chứa sạch, có nắp đậy và để ở nơi mát mẻ.
Nắp đậy giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của bụi, côn trùng hay chuột gián, và nhiệt độ thấp giữ thức ăn được tươi lâu.
Không nên chứa thức ăn trong hộp sắt hở vì dễ bị gỉ sét. Tốt nhất là giữ thức ăn trong hộp plastic có nắp đậy.
Giữ gìn vệ sinh nơi bảo quản và nơi chế biến.
Tránh để nguồn nước bị bẩn, đặc biệt bởi phân người và động vật.
Không nuôi gà gần chỗ sinh họat. Phân gà có chứa vi khuẩn nguy hiểm và thu hút ruồi muỗi.
Nên tránh xả rác bừa bãi, bởi rác thải thu hút ruồi muỗi là vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm.
Hóa học ngày nay (Theo FAO.org)