Các chất độc hại trong thực phẩm – nỗi lo lắng không dứt

QUẢNG CÁO

an-toan-thuc-pham(H2N2)-Người tiêu dùng mỗi ngày thêm lo lắng trước các thông tin về chất phụ gia độc hại tìm thấy trong thực phẩm… Trong khi người sản xuất thì cho rằng họ chỉ đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng mà thôi… Lỗi tại ai?

Chả không dai, củ kiệu không trắng, thịt quay không “đẹp”… – đó là vì thiếu những chất phụ gia như hàn the, chất tẩy trắng hay phẩm màu hóa học, mà “người tiêu dùng thì không chuộng những mặt hàng không bắt mắt…; chính khách hàng khiến chúng tôi phải cho chất phụ gia vào đó chứ(!)” – lời bào chữa của không ít những người sản xuất thực phẩm chế biến sẵn khiến chúng ta không khỏi giật mình…

Mới đây, lại rộ lên các thông tin báo động về chất Rhodamin B (có khả năng gây ngộ độc, thậm chí ung thư) trong các loại ớt, màu và bột gia vị.

Độc tính và ứng dụng của Rhodamin B

Rhodamin B (Brilliant Pink B) là loại thuốc nhuộm tổng hợp dạng tinh thể, màu nâu đỏ, ánh xanh lá cây, có công thức C28H31N203CI, dễ hòa tan trong nước, cồn. Khi hòa tan, nó có màu đỏ, phát huỳnh quang ánh xanh lục. Là một hóa chất có thể gây độc cấp tính và mãn tính. Qua tiếp xúc, nó gây dị ứng hoặc làm mẩn ngứa da, mắt… Qua đường hô hấp nó gây ho, ngứa cổ, khó thở, đau ngực. Qua đường tiêu hóa, nó gây nôn mửa, có hại cho gan và thận, tuy chưa xác định nồng độ tối thiểu

cho phép của Rhodamin B. Nếu tích tụ dần trong cơ thể, nó gây nhiều tác hại đối với gan thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh và  là một tác nhân nghi ngờ gây ung thư.

Rhodamine B là chất hoá học dùng để nhuộm giấy, màu sơn, vải sợi, da và nhựa; tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm và thuốc. Rhodamine B, còn là một loại phẩm màu phát quang dùng trong y học để chẩn đoán virus, vi khuẩn và một số xét nghiệm sinh hóa. Rhodamine B không có tên trong Danh mục phụ gia được sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế.

Xử lý các chất độc hại trong thực phẩm

Không chỉ là những chất độc hại nhiễm từ bên ngoài vào mà còn nhiều trường hợp chính thực phẩm tạo ra độc chất bởi quá trình chế biến không đúng cách, nhất là các loại thực phẩm khô, muối chua và xông khói. Một số thực phẩm khô hay muối chua thường có chứa chất sinh ung thư. Tuy nhiên, đây cũng là những món ăn ngon, hấp dẫn khó bỏ qua. Vài gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn xử lý những thực phẩm này để đảm bảo an toàn:

* Thịt ướp muối, xúc xích, lạp xưởng… là những món ăn phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Với các loại thực phẩm này, không nên rán, vì ở nhiệt độ cao, chúng sẽ tạo ra các chất gây ung thư, đặc biệt là rán sẽ tạo thành pyrrolidine nitroso và dimethylnitrosamine, những hợp chất được chứng minh là gây ra bệnh ung thư.

* Với cá muối, tốt nhất là nên hấp hay luộc qua trước khi ăn do hàm lượng nitrite trong các loại cá muối khá nhiều. Có người dùng cách phơi cá dưới ánh nắng mặt trời – cho rằng như thế có thể “đẩy” muối và các chất sinh ung thư ra khỏi cá – song chỉ hữu hiệu với bề mặt ngoài của cá… Nên kết hợp cùng với rau xanh và củ quả khi ăn.

* Nướng các loại thực phẩm không đúng cách cũng có thể sinh chất gây ung thư – như nướng trực tiếp trên than và nướng quá cháy, đồ nướng tẩm ướp các gia vị mà khi gia nhiệt cao sẽ chuyển hóa thành các hợp chất e-xte độc hại.

* Dưa muối: rau củ nên phơi héo trước khi muối, vì trong rau củ muối dưa có hàm lượng nitroso nhất định. Phương pháp xử lý thông thường là cho vào nước sôi trụng sơ qua, phơi nắng hoặc rửa bằng nước nóng… đều có thể đạt được mục đích “tẩy” bớt chất gây ung thư này. Thêm một lưu ý nữa là không được dùng đi dùng lại nước muối dưa.

* Trong tôm khô có chứa chất dimenthylnitrosamine. Vì vậy, trước khi nấu, nên cho vào nước luộc qua, đổ nước đó đi rồi mới chế biến thành món ăn. Phơi dưới ánh mặt trời từ 3-6 tiếng cũng có thể loại trừ bớt các chất gây ung thư.

Đối với thực phẩm thì như vậy, còn thuốc uống thì sao? Đặc biệt là thuốc Đông y – tuy là thảo dược thiên nhiên nhưng cũng mang nguy cơ gây ngộ độc sau thời gian sử dụng lâu dài. Nguyên nhân là từ quá trình xông thuốc với lưu huỳnh để bảo quản thuốc lâu hơn. Theo các chuyên gia của Trung tâm Kỹ thuật ATVSTP, lưu huỳnh hay diêm sinh dù vẫn được phép dùng trong bảo quản thuốc Đông y cũng như một số loại thực phẩm để tránh nấm mốc, nhưng nếu sử dụng không đúng cách và quá hàm lượng cho phép sẽ trở nên rất độc hại.

Danh sách bị ngộ độc và mắc bệnh từ đồ ăn thức uống vẫn đang tiếp tục dài thêm mặc dù cơ quan quản lý các cấp về ATVSTP liên tục khuyến cáo… Ai là người chịu trách nhiệm về thực trạng này – người tiêu dùng hay người sản xuất kinh doanh thực phẩm? Câu trả lời vẫn đang bị đẩy qua đẩy lại…

Hoahocngaynay.com

Nguồn Thucphamvadoisong.vn

Chia sẻ:

QUẢNG CÁO

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *