(H2N2)-Tổ mối được mối thợ làm từ đất trộn với nước bọt và phân. Tổ mối được bao bọc bởi 1 lớp tường thành bên ngoài rất cứng. Giữa bức tường thành này và tổ mối được bố trí những đường dẫn cho phép không khí có thể lưu thông được. Phần trung tâm của tổ được chia thành vô số các phòng. Một phòng lớn được dành cho mối chúa liên tục đẻ trứng. Những phòng khác dành để nuôi ấu trùng và nhộng mối.
Ngoài ra còn có các nhà kho để đồ dự trữ và các phòng chứa chất thải. Hình thái của tổ mối cũng rất đa dạng: hình quả lê (Macrotermes annandalei), hình tròn (Odontotermes hainanensis), hình vòm, hình tháp, hình phỏng theo dạng hòm, dạng nhà,…
Ở Việt Nam có khoảng 100 loài mối, thuộc các chi Coptotermes, Cryptotermes, Neotermes, Clyptotermes, Hodotermes, Reticulitermes, Shedorhinotermes, Macrotermes, Odontotermes,…
Hàng năm, mối gây hại lớn cho các công trình kiến trúc, đê đập, kho tàng và cây trồng. Vì vậy, việc phòng trừ mối cần được quan tâm nhằm giảm thiểu những thiệt hại do mối gây ra.
Mối hại cây trồng có 2 nhóm chính. mỗi nhóm có nhiều loài. Công nghệ diệt mối bảo vệ cây trồng đòi hỏi phải biết loài gây hại, đặc điểm từng loài để áp dụng công nghệ xử lý thích hợp.
Mối hại cây trồng ở Việt Nam chủ yếu là các loài thuộc phân họ Macrotermitinae (các loài mối cấy nấm) và các loài thuộc nhóm mối gỗ ẩm (xem bài thành phần loài mối hại cây cà phê, cao su ở Tây Nguyên). Do đó, công tác phòng trừ mối hại cây cần tập trung vào 2 nhóm mối này.
1. Đối với nhóm mối Macrotermitinae:
Do nhóm mối này có 2 dạng tổ nổi và tổ chìm nên công nghệ diệt mối cũng phải khác nhau:
* Đối với các tổ nổi
Các tổ mối nổi có thể diệt bằng 2 cách:
– Cách thứ nhất: Phun các loại thuốc diệt mối dạng lỏng trực tiếp vào tổ mối. Trước tiên tạo các lỗ từ ngoài vào khoang tổ, dùng thiết bị ép thuốc diệt mối dạng lỏng vào tổ mối với liều lượng tuỳ theo loài gây hại và kích thước của tổ mối. Để tránh tồn dư hoá chất trong sản phẩm của cây ăn quả nên dùng chế phẩm sinh học Metavina 80LS.
– Cách thứ 2: Dùng bả diệt mối đưa vào tổ mối qua các lỗ khoan rồi lấp lại. Mối thợ sẽ khai thác bả độc rồi mớm cho các cá thể khác trong đàn, kể cả mối chúa. Sau đó cả đàn mối sẽ chết.
* Đối với các tổ chìm
– Do khó tìm được các tổ chìm nên giải pháp diệt mối gián tiếp là khả thi hơn cả. Tại các gốc cây hay khoảng đất mà mối hay cư trú hoặc kiếm ăn cần đặt các trạm nhử mối. Sau khi đặt thường xuyên kiểm tra xem mối có đến ăn hay không, Sau khi mối đã vào nhiều trong trạm nhử thì cho bả vào nơi mối ăn. Sau khi mối ăn bả mối sẽ chết như trong trường hợp cho bả vào tổ mối. Số lượng trạm nhử mối, lượng bả cần cho phụ thuộc vào mật độ mối hại trên vườn cây và loài mối gây hại. Loài có số lượng cá thể lớn thì cần đánh nhiều bả và ngược lại.
2. Đối với các loài thuộc nhóm mối gỗ ẩm
Tổ của các loài này thường ở trong thân cây khi thân cây đã rỗng hoặc dưới gốc cây.
* Trường hợp tổ trong thân cây
– Khi tổ nằm trong thân cây có thể dùng máy khoan khoan vào phần rỗng của thân cây. Dùng thiết bị ép dịch thuốc diệt mối dạng lỏng vào trong thân cây. Liều lượng dịch thuốc cần dùng tuỳ theo mức độ rỗng của thân cây và loại thuốc sử dụng. Vì khó có thể phun thuốc tiếp xúc với đa số các cá thể mối trong tổ nên loại thuốc thích hợp cho công tác này là loại có thể lây lan từ cá thể này sang cá thể khác. Thuốc Metavina 80LS là loại thuốc có khả năng lây lan nên đáp ứng được yêu cầu này.
* Trường hợp khi tổ mối nằm dưới gốc cây
Khi tổ mối nằm dưới gốc cây thì giải pháp diệt mối phù hợp là diệt mối gián tiếp. Tại các nơi mối kiếm ăn đặt các trạm nhử mối (thường sát gốc cây). Sau khi thấy mối vào ăn với lượng cá thể đủ lớn thì tiến hành cho bả vào trong trạm nhử. Sau khi mối thợ khai thác bả sẽ mớm chất độc cho cả đàn mối và đàn mối sẽ chết.
Hoahocngaynay.com
Nguồn Dietmoi.vn